Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ngày 17-7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Tạo bứt phá cho Thủ đô
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012 và có hiệu lực ngày 1-7-2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 9 năm thi hành, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp quy định được đề ra trong Luật Thủ đô còn nhiều tồn tại.
Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, thì việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều; tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Nội dung dự thảo Luật sửa đổi bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị các đại biểu dự cho ý kiến toàn bộ hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm: Phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ý kiến một số nội dung trọng tâm, đặc thù vượt trội của hồ sơ dự thảo cụ thể. Đó là, tổ chức chính quyền tại Thủ đô; xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển Vùng Thủ đô...
Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết, đồng thời khẳng định, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Chú trọng đến yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội"
Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu ý kiến: Việc xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô hiện đang là vấn đề đặt ra nhiều thách thức với Hà Nội. Vì vậy, dự thảo lần này cần nghiên cứu kỹ để có những chính sách tạo đột phá cho Thủ đô. Dự thảo nên căn cứ việc xây dựng và phát triển Thủ đô là thực hiện quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô. Đây là 2 quy hoạch trọng tâm xác định trong khoản 1, nhiệm vụ 4 tại Nghị quyết 15-NQ/TƯ.
Về liên kết phát triển Vùng Thủ đô, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, đây là yêu cầu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Hà Nội có vai trò được xác định trong Nghị quyết 15-NQ/TƯ bao gồm cả vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Thủ đô. Vì vậy, nên lấy tiêu đề liên kết phát triển Vùng với nội dung nguyên tắc hợp tác trong vùng và nội dung đặc thù trong vùng Thủ đô gồm 10 tỉnh, thành phố đã có quy hoạch được duyệt năm 2009, điều chỉnh năm 2016.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố khẳng định, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã tính tới yếu tố đặc thù và ưu ái cho Thủ đô. Tuy nhiên, các điều luật vẫn thiếu ràng buộc, đặc biệt, một số lĩnh vực còn có sự mâu thuẫn giữa tăng dân số cơ học và hạ tầng xã hội như: Giáo dục, y tế, sân chơi, nhà ở, giao thông, môi trường. Dự thảo Luật Thủ đô chưa có cơ chế đặc thù nên sẽ khó giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc của Hà Nội hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng đề nghị bổ sung hệ thống giáo dục công lập phổ thông phải đáp ứng được 75% nhu cầu của học sinh trong bậc trung học có nhu cầu học, có chính sách hỗ trợ để tất cả các em trong mọi hoàn cảnh đều được tiếp cận giáo dục như hiến định, tạo nhiều cơ sở vật chất để các em không may mắn như trẻ khuyết tật, tự kỷ… được chăm sóc, nuôi dưỡng. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần đảm bảo chất lượng phòng học; triệt tiêu sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành.
Chú trọng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nêu quan điểm: Luật Thủ đô cần chú trọng đến yếu tố “nguồn lực phát triển Hà Nội”, “nguồn lực tài chính ngân sách” nhưng trong dự thảo Luật chỉ là ghi một bộ phận của nguồn lực phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Hữu Thảo nhấn mạnh, nguồn lực đó là ưu thế của Thủ đô, hơn mọi địa phương khác và cần được phát huy từ Luật Thủ đô. Đó là, nguồn nhân lực có chất lượng cao, là những người lao động thuộc giai cấp công nhân, nông dân, đặc biệt là giai tầng trí thức, sống và làm việc tại Thủ đô. Đây thật sự là nguồn nhân lực lớn lao, quý giá cần được Luật Thủ đô quan tâm phát huy trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng, phát triển lĩnh vực phúc lợi xã hội của Thủ đô.
Quan tâm tới vấn đề văn hóa trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đề nghị, cần sửa lại một số điều, khoản để việc bảo vệ và phát triển văn hóa để Thủ đô phải xứng tầm với lịch sử, văn hóa và truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tiêu biểu về bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thế của Thủ đô và dân tộc, để Hà Nội thực sự là Thủ đô văn hiến, trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Ngoài ra, các ý kiến khác phát biểu tại hội nghị còn đề cập tới toàn bộ Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm: Phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); quản lý, sử dụng đất đai; phát triển nhà ở; phát triển đô thị; đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông; phát triển nông nghiệp, nông thôn; các biện pháp bảo vệ Thủ đô.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Mặt trận sẽ tiếp thu đầy đủ và tiếp tục theo dõi sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và nhân dân để gửi ban soạn thảo và cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh nội dung dự luật cho phù hợp với tình hình thực tế.