Văn học, nghệ thuật tích cực đóng góp xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
“Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là chủ đề cuộc tọa đàm do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức ngày 17-7, tại Hà Nội.
Hoạt động này nhằm đánh giá những thành tựu đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triên văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, với sức lan tỏa và thu hút công chúng thông qua nhiều hình thức sáng tạo, vai trò, trách nhiệm của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách con người nói chung và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nói riêng rất quan trọng. Các văn nghệ sĩ không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức xã hội, mà còn làm sáng tỏ, sáng tạo, cổ vũ con người tự nguyện vươn lên; góp phần tôn vinh, lan tỏa những hành động hay, đẹp trong cuộc sống thông qua những tác phẩm hấp dẫn, cuốn hút.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, văn học, nghệ thuật Thủ đô đã xuất hiện nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, đề cập đến những vấn đề cấp thiết của xã hội, những thân phận con người; đặc biệt, có những tác phẩm có tác dụng cảnh báo nhằm đẩy lùi cái ác, vun đắp cái thiện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tác phẩm mờ nhạt, non yếu về chất lượng tư tưởng và nghệ thuật, chạy theo những vấn đề bạo lực, tình dục, bản năng mà quên đi chức năng giáo dục, dự báo...
Để tiếp tục phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng con người Việt Nam nói chung và người Thủ đô thanh lịch, văn minh nói riêng, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết tại tọa đàm đã chỉ ra những yêu cầu trong sáng tác, công bố tác phẩm và những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Thủ đô.
Nhà văn Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, yêu cầu sáng tác văn học, nghệ thuật hiện nay phải phản ánh được những thành tựu to lớn của thành phố trong mọi lĩnh vực lao động, xây dựng và phát triển; tập trung phản ánh gương người tốt, xây dựng nhân vật điển hình về đức tính, phong cách, đổi mới cách nghĩ, cách làm và sự hy sinh cao cả vì cộng đồng; có nhiều tác phẩm phản ánh, quảng bá văn hóa truyền thống, nối tiếp bằng sáng tạo mới nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nếp văn, nếp ở, lối ứng xử, giao tiếp lịch sự, tinh tế của người Hà Nội; có thêm tác phẩm mang tính phản biện xã hội, nhất là trên mặt trận chống tiêu cực, tham nhũng…
Về chiều sâu tác phẩm, theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội), mỗi hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành tùy theo chức năng chuyên môn cần tổ chức, cổ vũ hội viên có các công trình, tác phẩm phản ánh về sự tốt đẹp, tích cực cũng như những hạn chế, bất cập trong văn hóa, lối sống truyền thống tại các địa phương của Hà Nội; khả năng thích ứng và những xung đột của lối sống truyền thống khi Thủ đô mở rộng, trong cuộc sống hiện đại, hội nhập hôm nay… Các tác phẩm cần có tác dụng trực quan, nhanh, hiệu quả đến nhận thức của con người, từ đó góp phần điều chỉnh hành vi, ứng xử của mỗi người.
Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ mong muốn tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Thủ đô được tham gia thực tế sáng tác; có cơ hội để quảng bá, giới thiệu, dàn dựng, in ấn tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị, chất lượng để phổ biến tới công chúng, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.