Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong ứng phó bão số 1
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là; chủ động linh hoạt; phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và ứng xử thông tin cụ thể; chuẩn bị chu đáo tất cả những gì có thể trong phòng ngừa, ứng phó với bão số 1...
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức sáng 17-7.
Tham gia cuộc họp trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội có lãnh đạo các bộ, ngành và 27 địa phương thuộc khu vực Bắc Bộ, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An.
Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Chiều mai, bão đi vào đất liền, gây mưa lớn tại miền Bắc
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 6h sáng nay (17-7), bão số 1 cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 310km về phía Đông Đông Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Dự báo đến chiều nay, cường độ của bão sẽ duy trì ở mức cuối cấp 11, đầu cấp 12, hướng vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Do ma sát về địa hình nên bão có thể giảm 1-2 cấp và di chuyển hướng vào khu vực thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Từ chiều nay, vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14. Trên đất liền, trọng tâm tác động của bão là các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 9-10 và sâu hơn trong đất liền là cấp 7-8, giật cấp 10; thời gian có gió mạnh cần lưu ý là từ trưa và chiều ngày mai, muộn nhất là tối mai.
Do ảnh hưởng của bão nên các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa, từ ngày 18 đến 22-7, có thể 200-400mm, có nơi cao hơn 500mm. Các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 300mm. Các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất...
Dự kiến sơ tán 29.887 hộ dân
Báo cáo về công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 4, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, tính đến 6h sáng nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.188 tàu với 226.183 người hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12h trưa nay, còn thành phố Hải Phòng là từ 21h hôm nay.
Bên cạnh đó, các địa phương đã rà soát, xây dựng phương án dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người sinh sống tại những khu vực nguy hiểm, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; trong đó tỉnh Quảng Ninh dự kiến sơ tán 700 người, thành phố Hải Phòng 8.691 người, tỉnh Thái Bình 19.021 người, tỉnh Nam Định 1.128 người, tỉnh Ninh Bình 347 người...
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng còn 17.414 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo; trong đó, Quảng Ninh còn 4.096 người, Hải Phòng còn 13.318 người. Toàn bộ khách du lịch đã nhận được thông tin về bão và bắt đầu di chuyển về đất liền từ ngày 16-7. toàn...
Báo cáo với Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn và các bộ: Giao thông vận tải, Công Thương khẳng định đã nghiêm túc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ; đang tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn trên biển, kêu gọi tàu vận tải, tàu thuyền nhỏ vào nơi an toàn; tuyên truyền, vận động du khách trên các đảo khẩn trương di chuyển vào đất liền tránh trú bão; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lớn sau bão...
“Trong 2 ngày qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, ban hành các văn bản, tổ chức kiểm tra ở các địa phương để chuẩn bị tốt nhất phòng, chống bão số 1. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã huy động hơn 1.000 người và các phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó với bão số 1”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết...
Còn Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ cho hay, thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động du khách về đất liền trong ngày hôm nay và sáng mai. Đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an...
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó với bão.
“Các địa phương rất có kinh nghiệm trong việc này, nhưng chính kinh nghiệm này làm chúng tôi lo ngại. Bởi khi các đồng chí tự cho là có kinh nghiệm thì dễ dẫn đến chủ quan, mất cảnh giác. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16-7-2023, coi đó là kim chỉ nam trong các hành động ứng phó với bão”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo.
Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là không để thiệt hại về người, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, Phó Thủ tướng yêu cầu "các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là; chủ động linh hoạt; phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và ứng xử thông tin cụ thể; chuẩn bị chu đáo tất cả những gì có thể để ứng phó với bão số 1...”.