Cải cách hành chính

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trực tuyến: Chưa như kỳ vọng

Bạch Thanh 17/07/2023 07:39

Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, ngày 3-4-2023, của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử có hiệu lực từ ngày 20-5-2023.

Theo đó, người dân, doanh nghiệp được nộp hồ sơ, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng hình thức trực tuyến (online). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện thủ tục bằng hình thức online vẫn chưa như kỳ vọng.

motcua.jpg
Giải quyết thủ tục hành chính tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Thanh Trì. Ảnh: Đỗ Tâm

Cơ sở dữ liệu về đất đai vẫn chồng chéo

Theo nghị định này, căn cứ điều kiện cụ thể về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai đang quản lý, cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa điểm theo yêu cầu… Tuy nhiên, qua thực tế triển khai còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc và người dân vẫn chưa sẵn sàng.

Cán bộ địa chính xã Yên Bài, huyện Ba Vì Nguyễn Thị Quỳnh cho biết, nếu cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua online thì các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không phải mất thời gian, chi phí đi lại, tuy nhiên việc triển khai không hề đơn giản. Bởi, việc xác minh nguồn gốc đất thổ cư, đất nông, lâm nghiệp, đất rừng tại địa phương khá phức tạp; bản đồ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai vẫn chồng chéo giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, việc thẩm tra, đánh giá hồ sơ địa chính mất nhiều thời gian.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với các thửa đất hiện nay, phần lớn là các trường hợp vướng mắc, tồn đọng từ nhiều năm trước. Nhiều trường hợp, người sử dụng đất không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ quản lý đất đai qua các thời kỳ bị thất lạc, gây khó khăn trong quá trình xác nhận nguồn gốc đất; có trường hợp sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc đã nộp tiền, nhưng các chứng từ, phiếu nộp tiền bị thất lạc hoặc không đúng quy định, dẫn đến khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính trước khi cấp giấy… Vì vậy, việc trao đổi thông tin, giải quyết thủ tục giữa cá nhân, tổ chức yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nền tảng số sẽ gặp nhiều vướng mắc.

Trong khi đó, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Vũ Văn Hữu cho rằng, không chỉ đối với các đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, việc đăng ký biến động đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân đã được cấp từ các năm trước, theo quy định mới có nhiều thay đổi đòi hỏi phải chỉnh lý, hiệu chỉnh... khiến việc phối hợp thực hiện giữa cơ quan chức năng và các cá nhân, tổ chức trên nền tảng số chưa thực sự thuận lợi.

Ở góc độ người dân, ông Đặng Xuân Quý ở thôn Liên Bu, xã Minh Quang (huyện Ba Vì) chia sẻ, dù có sự hỗ trợ của cán bộ địa chính nhưng người dân cũng phải mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ để nộp. Do vậy, nếu để người dân tự hoàn thiện hồ sơ trên nền tảng số, e rằng sẽ rất khó khăn, lúng túng. Hơn nữa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị, hầu hết người dân chưa sẵn sàng nhận qua các dịch vụ bưu chính, vẫn muốn nhận trực tiếp.

Cần tối ưu hóa quy trình online

Để việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các thủ tục đất đai được triển khai trên nền tảng số được thuận lợi, theo bà Đoàn Tú Uyên ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, ngành Tài nguyên cần tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo để giới thiệu và hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp về quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đất đai qua hình thức online. Cùng với đó là đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng mạng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin để bảo đảm ổn định, bảo mật và hiệu quả trong việc thực hiện thủ tục online.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính, ngành Tài nguyên cần xây dựng một hệ thống hỗ trợ trực tuyến thông qua các kênh như chát trực tiếp, email hoặc điện thoại để giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục online. Đặc biệt, ngành Tài nguyên cần giảm thiểu thủ tục phức tạp; đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đất đai, loại bỏ các bước không cần thiết và tối ưu hóa quy trình online.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hồng cho biết, hiện việc đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được hướng dẫn, thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn thành phố. Công tác giải quyết thủ tục hành chính cơ bản bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt cao. Song, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nền tảng số vẫn còn những khó khăn nhất định, do hạ tầng công nghệ kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, để bảo đảm tính khả thi khi chính sách mới về cấp giấy chứng nhận có hiệu lực thi hành, ngành Tài nguyên tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, liên thông, chia sẻ dữ liệu có liên quan như thuế, dân cư, ngân hàng, công chứng, xây dựng... và sử dụng dữ liệu dùng chung khi giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, tạo công cụ để cơ quan quản lý và người dân kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận.

“Tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số ngành Tài nguyên, bảo đảm hệ thống thông tin được xây dựng thống nhất, đồng bộ, phục vụ tốt người dân. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, có giải pháp hỗ trợ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến…”, bà Nguyễn Thị Minh Hồng nhấn mạnh.