Thế giới

Nghị viện châu Âu thông qua dự luật Phục hồi thiên nhiên: Kỳ vọng khôi phục hệ sinh thái

Thùy Dương 17/07/2023 - 06:59

Được thông qua với một “khe cửa” hẹp là 336 phiếu thuận, 300 phiếu chống và 12 phiếu trắng tại Nghị viện châu Âu (EP), dự luật Phục hồi thiên nhiên (NRA) được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khôi phục hệ sinh thái đa dạng trong lục địa đang bị xuống cấp.

Tất nhiên chặng đường còn dài khi các nước sẽ trải qua quá trình thương lượng văn bản luật cuối cùng nhằm đạt một thỏa thuận trước cuộc bầu cử EP vào năm 2024.

thien-nhien.jpg
Dự luật Phục hồi thiên nhiên sẽ giúp hồi sinh các hệ sinh thái bị suy thoái châu Âu.

Dự luật Phục hồi thiên nhiên, do Ủy ban châu Âu (EC) khởi xướng đặt ra các mục tiêu ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục đích hồi sinh các hệ sinh thái bị suy thoái.

Việc này được thực hiện bằng cách gia tăng các vùng trồng rừng, môi trường sống dưới nước và sự kết nối giữa các dòng sông. Đây là trung tâm trong chiến lược đa dạng sinh học của EU, là một phần cách tiếp cận Thỏa thuận Xanh của khối nhằm tăng cường bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Các hệ sinh thái bị suy thoái có thể được khôi phục bằng cách tăng cường diện tích rừng và môi trường biển cũng như tăng cường kết nối giữa các con sông.

Dự luật sẽ cho phép khôi phục 30% diện tích đất than bùn cũ hiện đang được khai thác cho nông nghiệp cũng như chuyển một phần sang mục đích sử dụng khác vào cuối thập kỷ và con số này sẽ tăng lên 70% vào năm 2050.

EC cũng đề xuất cắt giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu vào năm 2030 và cấm sử dụng hoàn toàn ở những môi trường tự nhiên như công viên, các khu bảo tồn và trường học.

Những điều luật mới được đưa ra là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết tình trạng sử dụng tràn lan chất hóa học đang đe dọa hệ sinh thái của hành tinh. Mục tiêu đề ra là khôi phục 80% môi trường tự nhiên đang trong tình trạng xấu và đưa chúng trở lại với các thành phố, thị trấn, các khu rừng, đất nông nghiệp, biển, hồ và sông.

Điều này sẽ giúp con người có được một môi trường sống bền vững...

Những năm gần đây, châu Âu đang phải chiến đấu với hậu quả của biến đổi khí hậu, với nắng nóng kỷ lục, hạn hán và lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Theo một nghiên cứu vừa công bố, năm 2022, hơn 61.000 người đã tử vong ở châu Âu do nắng nóng quá mức... Năm nay, khoảng 30.000 người ở miền Bắc Italia đã phải sơ tán do lũ lụt nghiêm trọng nhất trong hơn một thế kỷ qua.

Tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra tại Canada tháng 12 năm ngoái, các quốc gia trên thế giới đã đồng ý với 23 mục tiêu để giải quyết vấn đề mất đa dạng sinh học, trong đó EU đã đưa ra nhiều cam kết đầy tham vọng. Thế nên dự luật Phục hồi thiên nhiên ra đời là một trong những minh chứng đầu tiên về việc các nước EU bắt đầu đưa chính sách hướng tới mục tiêu đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, một số chính trị gia bảo thủ và hiệp hội nông dân tuyên bố rằng, các biện pháp được đề xuất sẽ gây hại cho nhiều ngành sản xuất vốn đang gặp khó khăn.

Copa-Cogeca và Europêche, hai tổ chức đại diện cho ngành nông nghiệp và thủy sản, gọi dự luật là “một đạo luật thiếu suy nghĩ, phi thực tế”. Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong EP, dẫn đầu một chiến dịch nhằm hủy bỏ dự luật này.

Dẫu vậy, những người ủng hộ luật đã chỉ ra rằng, luật mới sẽ thực sự bảo đảm an ninh lương thực lâu dài cho châu Âu. César Luena - nhà lập pháp Tây Ban Nha, một trong những người ủng hộ hàng đầu của dự luật, cho biết: “Nó tốt cho tất cả mọi người. Bởi vì nếu bạn có các hệ sinh thái lành mạnh, thì các hệ thống kinh tế phụ thuộc vào các hệ sinh thái này cũng sẽ tự khỏe mạnh”.

Những người bảo vệ dự luật khẳng định rằng, về lâu dài, châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục đa dạng sinh học nếu muốn duy trì sản xuất lương thực và đạt được mục tiêu ràng buộc về mức phát thải khí nhà kính bằng không trên toàn khối vào năm 2050.

Giám đốc chính sách khí hậu của EU Frans Timmermans khẳng định: “Chúng ta cần giúp thiên nhiên tự phục hồi nếu muốn đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã thống nhất”.