Khi người dân không còn mặn mà với chung cư mini
Đã từng có nhiều ưu điểm thu hút người mua nhà tìm kiếm và sở hữu một căn hộ trong tòa nhà chung cư mini với vị trí trung tâm, giá rẻ...
Nhưng quá trình sử dụng đã phát sinh nhiều bất cập như xây dựng sai phép, không có "sổ đỏ" riêng, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy nên nhiều chủ nhà không còn mặn mà với dòng chung cư này, tìm cách bán tháo dù lỗ vốn.
Dễ mua, khó bán
Hơn nửa năm nay, chị Nguyễn Phương Lan (ngõ 67 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) giao bán căn phòng trong tòa chung cư mini nhưng không có mấy khách hỏi. Đôi ba khách liên hệ chỉ quan tâm đến căn cứ pháp lý của căn hộ đã được cấp “sổ đỏ” chưa, khi biết là "sổ đỏ" chung cả tòa nhà thì khách hứa hẹn vài câu rồi không liên hệ lại.
Chị Lan cho biết: "Tôi mua căn hộ năm 2010 với giá 800 triệu đồng. Vài năm sau, vào thời điểm “sốt” đất, căn hộ tăng giá lên hơn 1 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Sau nhiều năm sử dụng, giá giảm sâu xuống còn 600-700 triệu đồng nhưng cũng không có khách hỏi".
Tương tự, chị Nguyễn Ánh Ngọc (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) đang rao bán gấp căn chung cư mini ở số 315 phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân). Căn hộ được mô tả nhiều tiện ích, diện tích 55m2 thiết kế 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh, bếp và khách chung. Tòa nhà nằm ngay mặt đường, chủ nhà để lại nhiều đồ dùng nhập khẩu, giá bán chỉ hơn 1,1 tỷ đồng. Chị Ngọc còn ghi chú phần giá thành “x nhỏ xíu” khi rao bán. Nhiều khách quan tâm đến hỏi nhưng khi biết sổ đỏ chung cho cả tòa nhà, mua bán công chứng thì không liên hệ lại nữa. Có khách còn hỏi thêm, có tách sổ được không thì không có câu trả lời.
Trên các diễn đàn, hội nhóm mua bán nhà giá rẻ có rất nhiều thông tin rao bán căn hộ chung cư mini ở hầu hết các quận trung tâm như Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... với giá dao động từ 700 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng/căn với các diện tích từ 30m2 đến 50m2 , thiết kế hiện đại, tối ưu không gian kê đồ, có bảo vệ tầng 1... Tuy nhiên, khi liên hệ với các số điện thoại kèm theo thông tin rao bán, người mua nhà được giải thích căn cứ pháp lý theo quy định Nhà nước là tách sổ hồng đồng sở hữu.
Theo đó, người mua sẽ được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ nhưng kèm theo tên của các chủ nhà khác trong tòa nhà. Khó khăn sẽ phát sinh khi chủ nhà muốn chuyển nhượng căn hộ cho người khác, chỉ hoàn tất thủ tục mua bán công chứng, còn thủ tục sang tên trên “sổ đỏ” sẽ mất nhiều thời gian và cần thêm một khoản chi phí mấy chục triệu đồng nữa. “Nếu gộp được mấy hộ trong tòa nhà có nhu cầu sang tên "sổ đỏ" cùng làm thì chi phí có thể giảm hơn”, môi giới bán nhà cho biết.
Theo các chuyên gia pháp lý, phân khúc chung cư mini đã từng nở rộ ở nhiều nơi trong nội thành do thời điểm khan hiếm nhà chung cư giá rẻ, diện tích nhỏ. Nhưng quá trình sử dụng đã phát sinh nhiều bất cập như xây dựng sai phép, không có "sổ đỏ" riêng, không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy nên đã khiến người dân không còn mặn mà nữa.
Tăng cường quản lý để ngăn ngừa hệ lụy
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa Lê Kế Việt cho biết, theo quy định pháp luật, người mua nhà chung cư mini có thể được cấp "sổ đỏ" trong trường hợp chung cư mini đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phải có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được xây dựng, thiết kế từ hai căn hộ trở lên kiểu khép kín, bao gồm phần diện tích sở hữu riêng, sở hữu chung... Nhưng nhiều chủ nhà chỉ xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều phòng, giữ lại 1 phần diện tích để ở, còn lại để bán căn hộ khép kín hoặc bán toàn bộ căn hộ kiểu chung cư mini nên người mua cần tìm hiểu kỹ căn cứ pháp lý nơi mình định an cư.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp) cho biết, Nghị định 99/2015/CP quy định nhà ở riêng lẻ được cấp giấy chứng nhận đối với từng căn hộ nhưng phải đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư. Nhưng thực tế rất ít công trình dạng chung cư mini đủ điều kiện tiêu chuẩn về xây dựng cũng như phòng cháy chữa cháy nên hiện trạng nhiều tòa nhà giao bán chung cư mini chỉ có thể làm sổ đỏ đồng sở hữu. Việc sở hữu "sổ đỏ" chung sẽ khó khăn trong việc chuyển nhượng, thế chấp vì phải được sự đồng ý của tất cả những đồng sở hữu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, việc mua chung cư chưa có "sổ đỏ" hay "sổ đỏ" chung có thể gây nhiều rủi ro cho người mua, nên trước khi quyết định, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ các yếu tố pháp lý. Để người dân tiếp cận được phân khúc nhà giá thấp, đầy đủ căn cứ pháp lý cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Được biết, trong thời điểm chung cư mini phát triển rầm rộ ở nhiều nơi, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương siết chặt quản lý các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, chia nhỏ nhiều căn hộ trái pháp luật để ngăn chặn những hệ lụy phát sinh ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị, hạ tầng cơ sở và an toàn phòng cháy chữa cháy.