Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc: Tấm gương lớn về lòng yêu nghề
NSND Bùi Đình Hạc đã ra đi vào tối 1-7-2023 ở tuổi 90. Ông đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình để tận hiến cho điện ảnh, được đánh giá là nhà làm phim thành công ở cả thể loại phim tài liệu và phim truyện.
Công chúng yêu điện ảnh nhớ về ông qua những bộ phim như “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”, “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin”, “Đường về Tổ quốc”, “Hà Nội 12 ngày đêm”...
1. NSND Bùi Đình Hạc làm không quá nhiều phim. Tuy vậy, tất cả phim của ông đều là tác phẩm chất lượng và ghi dấu phong cách của riêng ông - giản dị nhưng giàu cảm xúc. Đặc biệt, những bộ phim “mang đậm hơi thở cuộc sống” đó đều dựa trên những sự kiện có thật và được kể lại trên màn ảnh bằng cảm xúc chân thật của người làm phim.
Đó cũng là lý do để phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” được trao giải Nhất tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Mátxcơva năm 1959, phim tài liệu “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” nhận Huy chương Bạc tại LHP quốc tế Mátxcơva 1967, phim truyện “Đường về quê mẹ” giành Giải thưởng chính của Ban giám khảo và giải Nhất Tiểu hội Á Phi, Mỹ Latinh tại LHP quốc tế Karlovy Vary 1972; Giải Nhất tại LHP quốc tế New Deli 1973.
Trong mắt đồng nghiệp, NSND Bùi Đình Hạc là nhà làm phim “luôn dành hết tâm huyết và sức lực cho từng dự án”. Nhà quay phim, đạo diễn, NSƯT Đỗ Duy Hùng, người đồng hành với NSND Bùi Đình Hạc với tư cách quay phim chính của ba bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin” và “Đường về Tổ quốc” chia sẻ rằng, ông rất ngưỡng mộ tính kiên trì của NSND Bùi Đình Hạc. Khi thực hiện bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, đạo diễn Bùi Đình Hạc đã dành hàng tháng trời ngồi xem hàng ngàn mét phim tư liệu lưu trữ tại Viện Phim quốc gia để có thể “nhặt” được những gì mà ông cho là tinh túy nhất, quý giá nhất về Bác.
“Trời mùa hè nóng như thiêu như đốt, thời ấy làm gì có điều hòa đâu, thế nhưng đạo diễn Bùi Đình Hạc vẫn kiên nhẫn ngồi xem hết ngày này sang ngày khác. Đến khi chúng tôi sang Liên Xô thực hiện phim “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin”, đạo diễn Bùi Đình Hạc lại tiếp tục ngồi 3 tháng trong thư viện và kho lưu trữ của nước bạn mong tìm được, dù ít, tư liệu hình ảnh về Bác Hồ. Khi đọc được một trang hồ sơ ghi chép lại thông tin ngày, giờ Bác lên một chuyến tàu, đạo diễn Bùi Đình Hạc lập tức bố trí để đúng vào giờ đó, tại địa điểm đó sẽ quay cảnh đoàn tàu rời ga nhằm đảm bảo tối đa tính chân thực của chi tiết trong phim - như thể Bác Hồ đang ngồi trên đoàn tàu vậy” - NSƯT Đỗ Duy Hùng nhớ lại.
2. NSND Bùi Đình Hạc ra đi, nhưng “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi”, đặc biệt là chùm phim về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thể hiện sức sống mạnh mẽ trong lòng người hâm mộ như một di sản điện ảnh của nhà làm phim tài năng. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia khẳng định: “Nước về Bắc Hưng Hải” là bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam được Giải Vàng LHP quốc tế. Điều này không chỉ mang vinh quang cho cá nhân Bùi Đình Hạc mà còn là sự khích lệ rất lớn với những người làm điện ảnh, cho họ thấy khả năng diệu kỳ của điện ảnh khi mang hình ảnh chân thực của Việt Nam ra với thế giới, mang tới người xem khát khao hòa bình của người Việt Nam.
Phim “Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” và chùm phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài giá trị lịch sử còn mang tới cho các nhà làm phim kinh nghiệm quý giá khi làm phim về các nhân vật lịch sử, các nhân vật có thật mà do nhiều nguyên nhân, tư liệu về nhân vật không thể tiếp cận hoặc tư liệu "trống". Cho đến nay, điện ảnh tài liệu Việt Nam đã làm không ít phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng bộ phim hay nhất, có sức thuyết phục nhất, xúc động nhất vẫn là phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” của đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc. Chính cách nhìn một vĩ nhân dưới góc độ con người bình thường, không thần thánh hóa đã giúp ông lựa chọn tư liệu, đánh thức tư liệu, khắc họa thành công chân dung một con người”.
3. Trong ký ức của nhà thơ, nhà biên kịch, nguyên Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát thì NSND Bùi Đình Hạc là một đạo diễn say nghề, một nhà quản lý khá quyết đoán, tính cách mạnh mẽ và biết cách thuyết phục người khác, đặc biệt là cấp trên để nâng cao vị thế vai trò của điện ảnh, từ đó điện ảnh được chú ý, quan tâm. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ, khi còn ở cương vị Cục trưởng Cục Điện ảnh, NSND Bùi Đình Hạc có ước muốn xây dựng được những bộ phim lớn về giai đoạn chống Mỹ và thống nhất đất nước mà “Hà Nội 12 ngày đêm” là phim mở màn cho dự án này. Nhưng tiếc là, mới hoàn thành được phần kịch bản này thì ông nghỉ hưu. “Tôi là một trong những người tham gia viết kịch bản “Hà Nội 12 ngày đêm” cùng các nhà văn, biên kịch Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Thiên Phúc.
Thời điểm đó, trên cương vị Cục trưởng Cục Điện ảnh, NSND Bùi Đình Hạc đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đi thực tế, trở lại chiến trường xưa cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ với các danh tướng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo...” - nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói. Cũng theo cảm nhận của bà thì: “Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là người quyết liệt, đã làm gì là làm tới cùng, khó mấy cũng không chịu đầu hàng. Ông nghiêm khắc trong quản lý nhưng ngoài đời ông là người sôi nổi, cởi mở, dễ tạo được thiện cảm và lấy được lòng tin ở người đối diện. Ông tốt nghiệp ngành Đạo diễn tại Đại học Điện ảnh quốc gia toàn Liên bang Xô Viết (VGIK) nên những người tốt nghiệp VGIK sau này như tôi đều coi ông là “tiền bối”.
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải - con trai lớn của NSND Bùi Đình Hạc từng tham gia thực hiện bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm” với vai trò quay phim chính và là thành viên của tổ đạo diễn, cho biết, anh không bao giờ quên quãng thời gian theo chân bố đi sơ tán và đi làm phim “Hoa thiên lý” bởi ấn tượng về quy trình làm phim của bố mình cùng ê kíp là các chú quay phim, bác họa sĩ thiết kế. “Sau này trở thành đồng nghiệp của bố, khi làm việc bao giờ chúng tôi cũng trao đổi, tranh luận cởi mở và luôn kết thúc bằng việc tìm được cách biểu hiện tốt hơn cho phim. Bố tôi tôn trọng, ủng hộ khi tôi đem kiến thức mới mẻ mà mình lĩnh hội được áp dụng vào thực tiễn làm phim “Hà Nội 12 ngày đêm”.
Bùi Trung Hải cho biết thêm, trong cuộc sống đời thường, anh và bố mình rất hợp nhau về quan niệm sống, nhân sinh, còn trong nghệ thuật anh chịu ảnh hưởng từ phong cách làm việc của bố và ngưỡng mộ ông ở cách tổ chức làm phim cũng như sự kiên trì để đạt được mục tiêu...
NSND, đạo diễn Bùi Đình Hạc sinh ngày 4-6-1934 tại Tam Nông, Phú Thọ. 14 tuổi ông đi bộ đội; 19 tuổi, ông tham gia phục vụ làm bộ phim hợp tác “Việt Nam trên đường thắng lợi”. Sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn tại VGIK, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Năm 1980, ông được bổ nhiệm Giám đốc Hãng phim tài liệu - khoa học Trung ương, sau đó làm Cục trưởng Cục Điện ảnh từ năm 1992 đến khi nghỉ hưu. Ngoài các phim tài liệu và phim truyện đoạt giải thưởng trong nước và quốc tế, bộ ba tác phẩm “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người”, “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin” và “Đường về Tổ quốc” của NSND Bùi Đình Hạc đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.