Ngày nhức đầu
Giờ nghỉ trưa đầu tuần, sau buổi họp cơ quan, nhóm đồng nghiệp cùng ăn trưa rồi vào hàng cà phê ở gần đó. Tan cuộc, trước khi rời quán, một bạn cảm thán “đúng là ngày dở hơi”.
Người đàn ông cảm thấy thế có lẽ bởi cả nhóm vừa sa vào một đề tài không dễ chịu. Một lúc nào đó, khi họ đang vui vẻ, một khách hàng từ ngoài bước vào và hô “cho một nâu đá mang về!”. Người kín mít như ninja, vươn tay trả tiền rồi đón phần cà phê sữa được đựng trong chiếc cốc nhựa mỏng có phần nắp hình bán cầu, trên có lỗ nhỏ dùng để đưa ống hút vào.
Một người trong nhóm thuận miệng, ý trêu đùa nhiều hơn khuyên: “Chị ơi, dùng cái đó đựng cà phê coi chừng độc đấy!”... Sau đó, câu chuyện của nhóm chuyển sang vấn đề sử dụng túi nilon, đồ dùng bằng nhựa tái chế, hộp xốp để đựng thực phẩm lúc nào không hay. “Chuyện dở hơi”, vẫn người nọ nói, và anh nhắc lại điều đó khi tất cả rời khỏi cửa hàng. Anh giải thích: “Đây là vấn đề khổ lắm - nói mãi mà không giải quyết được. Nói ra, nhức đầu với cảm giác bất lực!”.
Tôi nghĩ mình và có thể là rất nhiều người khác cảm nhận được cảm xúc của vị khách hàng nói trên. Đó không phải là sự thể hiện cảm xúc bộc phát, mà là sự giải tỏa điều gì đó bị dồn nén từ lâu. Ở đây, chắc chắn đó là điều “nói mãi mà không giải quyết được”, dù vấn đề đúng là đáng được giải quyết một cách rốt ráo. Không phải chỉ một chiếc cốc nhựa kia, vấn đề lớn hơn nhiều, liên quan tới sức khỏe cộng đồng và môi trường sống của tất cả chúng ta. Chuyện đáng nói không kém gì “vụ” phụ huynh dậy sớm chen lấn như phá cổng trường học để nộp hồ sơ cho con “vào 10”, không kém vấn nạn tiếng ồn ở các khu chung cư, tình trạng quá tải bệnh viện hay tình trạng ùn tắc giao thông hiện tại...
“Rác thải nhựa”, “sử dụng đồ nhựa tái chế để đựng thực phẩm”... Bạn có thể gõ những cụm từ này và xem Google cho mình thấy những gì, vấn đề được đăng tải từ khi nào... Những gì hiện ra trước mắt nhiều đến nỗi bạn không thể dùng cách đếm thủ công, nội dung không có gì ngoài tác hại “động trời” đối với sức khỏe con người và môi trường nói chung. Ở đó có ý kiến về thực trạng, giải pháp từ giới chuyên gia, nhà quản lý; có những bài viết về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường liên quan tới rác thải nhựa, đồ dùng bằng nhựa tái chế. Chủ đề này được trở đi trở lại hằng năm, trong dịp phát động hưởng ứng “Ngày môi trường”, “Tháng hành động”..., thậm chí bạn có thể tìm thấy nhiều bài viết mẫu, diễn văn, nghị luận về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe toàn dân. Như thế, có thể thấy, công tác tuyên truyền và hiệu quả “đánh động nhận thức” về vấn đề này là không hề kém. Đa số có thể tiếp cận thông tin đa chiều và tự hiểu rằng, rác thải nhựa là một trong những nguyên nhân gây thảm họa môi trường cả trong hiện tại và tương lai, sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm là tự đem “thuốc độc” tới miệng, thậm chí dẫn tới “cái chết từ từ”.
Nhưng, hằng năm, vấn đề rộ lên rồi thì sao? Vì sao, có thể dễ dàng hiểu về tác hại mà rất nhiều người vẫn sử dụng túi nilon mỗi ngày? Vì sao ngay cả những người hằng ngày chịu khó rèn luyện thân thể, tìm tới cửa hàng thực phẩm sạch để mua hàng cho an toàn lại có thể tặc lưỡi nhận túi nilon đựng nước dùng nóng bỏng tay khi mua phở, bún về nhà cho người thân ăn sáng? Vì sao rất nhiều cửa hàng giải khát hay hàng cơm vẫn "bình chân như vại" khi sử dụng hộp xốp, hộp nhựa, túi nilon đựng đồ ăn cho khách hàng mang về? Vì sao ngay cả người “hiểu biết” cũng có thể dửng dưng trước những việc “có hại mười mươi”?...
“Ngày nhức đầu” sẽ còn kéo dài nếu chúng ta không có lời giải và biện pháp mạnh cho vấn đề nêu trên. Có thể tìm “lối ra” từ kinh nghiệm xử lý vấn đề uống rượu bia mà vẫn lái xe - vốn cho thấy hiệu quả thực tế và nhận được sự ủng hộ của đa số trong nửa năm vừa qua. Ở đó, không có gì đáng lưu ý hơn là kinh nghiệm mạnh tay xử lý vi phạm. Đối tượng được lưu ý trong vấn đề rác thải nhựa là cơ sở sản xuất đồ nhựa tái chế, là những hàng quán, cơ sở dịch vụ “nhắm mắt” sử dụng hộp xốp dùng một lần và đồ nhựa tái chế để đựng thực phẩm, là kinh nghiệm từ những cơ sở dịch vụ tiên phong trong việc tìm ra sản phẩm thay thế những thứ có hại cho con người và môi trường... Và, tất nhiên, điều cần được quan tâm còn là hiệu quả công tác của những cơ quan quản lý các vấn đề nêu trên, bởi không có người đứng ra chịu trách nhiệm thì rất khó giải quyết vấn đề.