Chương trình không gian đầy tham vọng của Nhật Bản
Động cơ tên lửa cỡ nhỏ Epsilon S nổ tung khi thử nghiệm ngày 14-7 chỉ là bước lùi nhỏ trong chương trình không gian đầy tham vọng mà Nhật Bản theo đuổi, hướng tới mục tiêu trở thành một cường quốc không gian, không chỉ sánh vai với Mỹ, Nga, mà cả những đối thủ mới đầy tiềm năng từ châu Á như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Mặc dù là một trong số những quốc gia châu Á có chương trình thám hiểm vũ trụ sớm nhất với thành tích là nước thứ tư phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất, nhưng nhiều năm qua, Nhật Bản đã bị bỏ lại phía sau.
Tuy nhiên, điều này giờ đây đã thay đổi khi sức nóng cạnh tranh từ các đối thủ đã khiến Nhật Bản đẩy mạnh chương trình không gian, với ưu tiên ban đầu là tập trung phát triển tên lửa đẩy và tàu du hành vũ trụ. Năm 2017, Tokyo đã công bố Tầm nhìn công nghệ vũ trụ 2030, trong đó đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô ngành công nghiệp vũ trụ (vào khoảng gần 30 tỷ USD). Tham vọng này được cho là có nhiều thuận lợi khi nhận được sự ủng hộ của Mỹ, cường quốc không gian đang nỗ lực duy trì vị thế trước “kình địch” Trung Quốc.
Năm ngoái, Cơ quan Thám hiểm không gian vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã lần đầu tiên tuyển dụng phi hành gia trong hơn một thập niên. Tokyo mong muốn có thể đưa phi hành gia đầu tiên của nước này lên mặt trăng vào năm 2030, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Nhật Bản cũng hướng tới việc xây dựng trạm thu năng lượng mặt trời đầu tiên ngoài không gian, nhằm hỗ trợ các nỗ lực khám phá vũ trụ.
Hợp tác quốc tế về không gian cũng được Tokyo đẩy mạnh. Nhật Bản chuẩn bị giúp Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) xây dựng mô đun Gateway có người ở, là bộ phận chính của trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng do Mỹ dẫn đầu. Khi hoàn thiện, Gateway sẽ được dùng làm bàn đạp cho các sứ mệnh đổ bộ mặt trăng. Tương tự, tên lửa đẩy của Mitsubishi Heavy Industries (MHI) phóng từ Trung tâm Không gian Tanegashima, hòn đảo ngoài khơi Kyushu, cũng đã đưa những vệ tinh Michibiki lên quỹ đạo. Đây là nhóm vệ tinh củng cố hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ tại châu Á. Nhật Bản cũng chế tạo mô đun thử nghiệm Kibo trên Trạm không gian quốc tế (ISS). Đồng thời, các sứ mệnh tiếp tế cho ISS cũng được phóng nhờ vào tên lửa đẩy của Nhật Bản.
Chương trình không gian của Nhật Bản được nhấn mạnh phát triển vì mục tiêu hòa bình. Theo tầm nhìn dài hạn của JAXA, công nghệ hàng không vũ trụ sẽ được sử dụng cho việc: Ứng phó thiên tai, như một hệ thống hỗ trợ cho các vấn đề môi trường; khoa học hành tinh và nghiên cứu kỹ thuật cho sự tiến bộ của thám hiểm tiểu hành tinh; hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt khác…
Sự phát triển của công nghệ không gian cũng tạo điều kiện để Nhật Bản củng cố đơn vị tác chiến vũ trụ. Đơn vị này được thành lập vào năm 2020 với nhiệm vụ chính là thu thập và tổng hợp thông tin thu thập từ các vệ tinh quân sự, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ hệ thống vệ tinh và radar trước những vụ tấn công bằng sóng điện từ. Vệ tinh Daichi-3 cùng với hai vệ tinh khác đã phóng trước đó được kỳ vọng tăng cường khả năng định vị và do thám. Đây là những bộ phận quan trọng của chiến lược đưa định vị GPS trở thành thiết bị tiêu chuẩn trong biên chế của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Một điểm đặc biệt hiện nay là, trái với lâu nay thường duy trì chương trình không gian nhờ vào nguồn vốn chính phủ (khoảng 90%), và năng lực công nghiệp của những tập đoàn “hạng nặng” như MHI, Mitsubishi Electric, NEC, Kawasaki Heavy Industries, Canon…, Nhật Bản giờ đây tích cực tạo điều kiện cho các công ty khởi nghiệp không gian, thông qua gia tăng ngân sách thường niên cho lĩnh vực vũ trụ lên khoảng 449,8 tỷ yên.
Nhờ cách làm này, đảo quốc Mặt trời mọc có thêm một số dự án khởi nghiệp, nổi bật là công ty dọn rác vũ trụ Astroscale hay nhà phát triển các tàu đổ bộ và tàu thăm dò phù hợp môi trường mặt trăng Ispace. Một cái tên gây chú ý khác là Space One, công ty có mục tiêu nhắm đến việc cạnh tranh với công ty tư nhân SpaceX của Mỹ trong việc phóng tên lửa nhỏ đưa vệ tinh lên quỹ đạo. JAXA tới đây sẽ lần đầu được phép đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân, càng hứa hẹn có thể mở ra nhiều cơ hội mới.
Dĩ nhiên, những bước đi chập chững trên vũ trụ không tránh khỏi vấp váp. Những trở ngại gây chú ý gần đây còn có: Sự thất bại của tên lửa đẩy hạng trung H-3 của JAXA hồi tháng 3-2023, vốn đã phải tự hủy trong chuyến bay đầu tiên khi động cơ giai đoạn hai không kích hoạt; hay tên lửa Epsilon-6 sử dụng nhiên liệu rắn thử nghiệm thất bại vào tháng 10-2022. Về phần mình, Space One có kế hoạch phóng tên lửa đầu tiên từ cảng vũ trụ Kii (tỉnh Wakayama) cuối tháng 2-2023, nhưng phải lùi lại vì trục trặc. Vấn đề nhân sự cũng là một điểm yếu khác cần khắc phục.
Tuy vậy, những bước lùi nhất thời không thể cản được tiến trình chung ngày càng mạnh mẽ. Với lợi thế công nghệ và sản xuất, Nhật Bản về lâu dài hoàn toàn có thể trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chinh phục không gian.