Nông nghiệp

Phúc Thọ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn

Minh Phú 15/07/2023 - 07:53

Được quy hoạch là “vành đai xanh” của thành phố, trong những năm qua, huyện Phúc Thọ đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, cùng với khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm; phát triển vùng sản xuất chuyên canh, hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

cham-soc-dan-lon-sinh-hoc-t.jpg
Chăm sóc đàn lợn sinh học tại xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Mai Quý

Những điểm sáng

Khu nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần CMC Việt Nam nằm tại địa bàn thị trấn Phúc Thọ những ngày này đang cho thu hoạch sản phẩm. Ông Vũ Tiến Dũng, quản lý của công ty cho biết, khu vực sản xuất tại thị trấn Phúc Thọ có quy mô 14ha, trong đó có khu nhà lưới trồng dưa 2ha và khu trồng nho hạ đen 1,5ha.

Thời điểm này, 8 nhà lưới trồng dưa lúc nào cũng có sản phẩm đưa ra thị trường. Doanh nghiệp trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu. Dưa được gieo hạt từ nhà ươm, khi lên 2 lá mầm sẽ được chuyển vào bầu trồng trong nhà lưới. Tại đây, các kỹ sư nông nghiệp sẽ lập trình trên hệ thống để mỗi cây dưa đều được “cho ăn”, “cho uống” bằng hệ thống tưới nhỏ giọt theo giờ… Nhờ sản xuất ứng dụng công nghệ cao nên không tốn nhiều nhân công; sản phẩm có chất lượng đồng đều, ổn định.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, mô hình trồng dưa lưới trên là một trong những điểm sáng của huyện trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, huyện còn một số mô hình, như: Nuôi gà thả vườn theo hướng VietGAP quy mô 10.000 con/4 hộ tại xã Xuân Đình; mô hình chuỗi sản xuất trứng vịt quy mô 6.000 con/3 hộ tại xã Phụng Thượng; mô hình nuôi cá trắm đen, quy mô 4.000m2 tại xã Võng Xuyên… đã chứng minh hiệu quả kinh tế cao.

Huyện cũng phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội triển khai nhiều mô hình ứng dụng đồng bộ kỹ thuật công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã Hiệp Thuận, Hát Môn và Võng Xuyên. Triển khai cấp mã vùng chuối tại xã Vân Nam, hành tại xã Võng Xuyên, rau tại xã Hát Môn. Hiện tại, toàn huyện có gần 7.000ha đất nông nghiệp, chiếm 58,5% tổng diện tích đất tự nhiên, phân chia thành 2 vùng bãi và vùng đồng. Thời gian qua, huyện chú trọng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và coi đây là bước đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Đến nay, toàn huyện có 480ha rau an toàn tập trung; 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả; 28ha diện tích ứng dụng công nghệ cao; 3.063ha lúa chất lượng cao (lúa thơm và lúa nếp); hình thành 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp. Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, như: Bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; thịt lợn rừng của Công ty TNHH Nguyên Hưng, thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú… Một số sản phẩm nông sản đã sử dụng tem QR code để truy xuất nguồn gốc.

Hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch

Nhằm cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, từng bước chuyển dịch nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí an toàn, vệ sinh thực phẩm, trên cơ sở lợi thế so sánh, UBND huyện đã ban hành đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện Phúc Thọ”. Theo đề án, trong trồng trọt, huyện phấn đấu năm 2025 có 1.235ha lúa chất lượng cao sản xuất tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm “Gạo Phúc Thọ”.

Huyện cũng phấn đấu sẽ phát triển được 345ha rau an toàn; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, ưu tiên phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đối với vùng trồng cây ăn quả, huyện sẽ có 785ha trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả hiện có và hình thành, mở rộng các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung với diện tích từ 50ha/vùng…

Bà Lê Thị Kim Phương cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân sản xuất, chế biến, đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, Phúc Thọ đã đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện xây dựng được 59 sản phẩm OCOP. Trong chăn nuôi, phát triển theo hướng tập trung xa khu dân cư, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững như mô hình chăn nuôi lợn sinh học ở xã Thọ Lộc; mô hình chăn nuôi lợn rừng ở xã Cẩm Đình...

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất công nghệ cao và an toàn thực phẩm. Phúc Thọ cũng sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng, liên kết phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thí điểm cửa hàng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của huyện, các sản phẩm OCOP, sản phẩm có nhãn hiệu, có nguồn gốc…

Bên cạnh đó, huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể về công tác tuyên truyền, công tác quy hoạch, ứng dụng khoa học, công nghệ, thu hút đầu tư, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất, giải pháp về môi trường cũng như thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ... với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025 là gần 463 tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, khai thác tối đa lợi thế, Phúc Thọ đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng tới nông nghiệp bền vững. Đây sẽ là tiền đề cho phát triển kinh tế, tạo sức bật để Phúc Thọ xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.