Thế giới

Bước ngoặt mới trong quan hệ Iran và lục địa Đen

Quỳnh Dương 15/07/2023 - 07:18

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã hoàn thành chuyến công du châu Phi (từ ngày 11 đến 13-7) tới các nước Kenya, Uganda và Zimbabwe.

tong-thong-iran-ebrahim-rai.jpg
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong chuyến thăm Zimbabwe.

Đây là nỗ lực ngoại giao của Tehran nhằm xây dựng các mối quan hệ liên minh mới, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn được tái áp đặt vào năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đang tạo ra nhiều áp lực cho nền kinh tế của quốc gia này.

Chuyến công du của Tổng thống E.Raisi đến châu Phi diễn ra hơn một thập kỷ sau khi cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đến thăm Benin, Niger và Ghana vào năm 2013. Trong chuyến đi tới khu vực mà Iran mô tả “vùng đất của những cơ hội và vận may” này, Tehran kỳ vọng tạo ra một “khởi đầu mới” để mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mục tiêu nâng kim ngạch thương mại với các nước châu Phi lên hơn 2 tỷ USD trong năm nay...

Theo đánh giá của các chuyên gia, các nguồn tài nguyên khoáng sản và cơ hội kinh tế của châu Phi trong các lĩnh vực khác nhau, cũng như của Cộng hòa Hồi giáo Iran, sẽ cung cấp cơ sở quan trọng cho cả hai bên để phát triển các lợi ích và thu lợi từ các năng lực hiện có.

Tại Kenya, lãnh đạo Iran đã đồng ý hỗ trợ thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và chia sẻ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất, y tế và nền kinh tế xanh. Hai nước cũng đã hoàn tất các biên bản ghi nhớ quan trọng trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, văn hóa - di sản, thông tin và truyền thông, thủy sản, nhà ở cũng như phát triển đô thị. Tổng thống Kenya William Ruto khẳng định, nước này rất quan tâm đến việc tăng cường khối lượng thương mại với Tehran. Nairobi sẽ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, trong đó đặc biệt là trà, sang Iran, bởi nước này là điểm nhập cảnh quan trọng đối với các nước Trung Á.

Bên cạnh thúc đẩy thương mại, Iran cũng nhắm tới làm phong phú thêm các hoạt động ngoại giao, củng cố quan hệ chính trị. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni, một đồng minh của Mỹ về các vấn đề an ninh, trước đây đã lên tiếng ủng hộ chương trình hạt nhân của Iran, nhấn mạnh quyền của các quốc gia có chủ quyền được theo đuổi các hoạt động hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tại Uganda, Tổng thống E.Raisi cũng đã ký 4 thỏa thuận với người đồng cấp Yoweri Museveni, đồng thời khẳng định Iran sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng các nhà máy lọc dầu. Còn tại Zimbabwe, 12 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, dược phẩm, viễn thông cũng như các dự án nghiên cứu, khoa học và công nghệ...

Với diện tích chiếm 19% toàn cầu, dân số hơn 1,43 tỷ người và đang tăng nhanh, châu Phi thực sự là một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng. Nền kinh tế châu Phi đang đứng trước cơ hội bùng nổ lớn, khi tổng thu nhập quốc nội (GDP) của lục địa này tăng gấp rưỡi trong một thập kỷ qua. Các nhà kinh tế dự báo trong 10 năm tới, châu Phi sẽ phát triển nhanh hơn các khu vực khác trên thế giới. Ngoài ra, lục địa này còn sở hữu lượng lớn tài nguyên quan trọng, chiếm hơn 30% trữ lượng khoáng sản thế giới. Chính điều này đã kéo châu Phi lên “bàn cờ lớn”, trở thành vùng đất cạnh tranh của nhiều quốc gia trong thời gian qua và trong tương lai.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã đẩy Iran vào cuộc suy thoái kéo dài. Không có lĩnh vực nào của nền kinh tế nước này thoát khỏi ảnh hưởng. Lạm phát của Iran hằng năm đang ở mức 42%. Đồng nội tệ rial đã mất hơn một nửa giá trị trong 3 năm qua. Xuất khẩu dầu đã giảm từ 2,5 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2017 xuống dưới 0,4 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2020, dù đã bắt đầu phục hồi nhẹ vào năm ngoái.

Trong vòng 1 năm qua, Iran đã tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các quốc gia trong khu vực như Saudi Arabia, Ai Cập và Morocco. Ở ngoài khu vực, Tổng thống E.Raisi vừa thực hiện chuyến thăm Mỹ Latinh nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các nước cũng đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong khi đó, Iran đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Kết quả của những nỗ lực ngoại giao nói trên cùng với chính sách thúc đẩy quan hệ với các quốc gia châu Phi được cho là sẽ giúp Iran hóa giải những khó khăn do các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và nhiều nước châu Âu đang áp đặt. Nhiều nhận định cho rằng, những thỏa thuận hợp tác được ký kết trong chuyến công du của Tổng thống E.Raisi sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong mối quan hệ giữa Tehran và Lục địa đen.