Tăng trưởng toàn cầu quý I-2023 vượt dự báo
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tăng trưởng toàn cầu ở quý đầu năm 2023 cao hơn so với các dự đoán hồi tháng 4. Tuy nhiên, dữ liệu cũng thể hiện một “bức tranh” hỗn hợp giữa khả năng phục hồi và những dấu hiệu đà tăng trưởng chậm lại.
Báo cáo của IMF nhận định, hoạt động sản xuất tại quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang thể hiện sự yếu kém, trong khi trao đổi thương mại toàn cầu vẫn ở mức thấp. Trong bối cảnh đó, nhu cầu về dịch vụ lại tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt tại các quốc gia có ngành Du lịch đang phục hồi.
IMF cũng không đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ở mức 2,8% vào tháng 4-2023 nhưng cho rằng, các rủi ro có nguy cơ gia tăng, chủ yếu liên quan đến xung đột Ukraine, lạm phát kéo dài và căng thẳng trong lĩnh vực tài chính.
Theo nhận định của IMF, lạm phát dường như đã đạt đỉnh vào năm 2022 và lạm phát cơ bản, mặc dù đã giảm bớt, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu ở hầu hết các quốc gia G20. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng giảm và nhu cầu hàng hóa thấp đồng nghĩa áp lực lạm phát từ hàng hóa cũng có thể giảm.
Dù vậy, dự kiến sẽ cần nhiều thời giam để giảm lạm phát ở lĩnh vực dịch vụ vốn là yếu tố thúc đẩy lạm phát cơ bản hiện nay. Tuy nhiên, lạm phát vẫn có khả năng giảm nhanh hơn dự kiến nhờ sản lượng hàng hóa và thị trường lao động ổn định.
Giá tiêu dùng trong tháng 6 ghi nhận mức tăng hằng năm thấp nhất trong 2 năm, là dấu hiệu giảm lạm phát đáng mừng nhưng lạm phát cơ bản, đặc biệt đối với lĩnh vực dịch vụ, vẫn chưa giảm.
IMF nhận định, các nhà hoạch định chính sách G20 cần tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều nền kinh tế và duy trì lãi suất thực trên mức trung lập cho đến khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lạm phát trở về mức mục tiêu.
Các nhà hoạch định chính sách cũng cần cảnh giác với những dấu hiệu căng thẳng trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là những dấu hiệu do rủi ro về lãi suất và áp lực ở lĩnh vực bất động sản.