Chính trị

Rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh dự án Luật Đường bộ để tránh trùng lắp

Theo quochoi.vn 14/07/2023 - 07:04

Sáng 13-7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự án Luật Đường bộ.

Phát biểu tại phiên họp, gợi ý nội dung thảo luận và những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị trong thời gian dài và công phu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Đường bộ liên quan đến nhiều vấn đề như khoa học, công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, thủy lợi, dữ liệu điện tử, do đó việc thẩm tra không thể khoán trắng cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh mà cần có sự tham gia của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Pháp luật theo phạm vi phụ trách để tham gia thẩm tra, tương tự như cách làm của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát kỹ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan và thống nhất với luật được tách ra là dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết cấu đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận để có các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý, vận hành, khai thác, quy định về giám sát và kiểm tra, trách nhiệm pháp lý, chính sách hỗ trợ để phát triển đường cao tốc, chính sách nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển đường cao tốc và quản lý đường cao tốc, chính sách khuyến khích tổ chức kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng đường cao tốc.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự án Luật Đường bộ là dự án luật quan trọng và khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung này để xem xét cho ý kiến ngay từ phiên họp thường kỳ tháng 7 sẽ tạo điều kiện, có thêm thời gian để tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, và nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự án luật.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí cho rằng dự án Luật Đường bộ đã được xây dựng đúng quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có chương riêng quy định về đường cao tốc để quy định đầy đủ.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Sau phiên họp này, Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Đường bộ gửi đến Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội thẩm tra chính thức...

* Tiếp tục phiên họp thứ 24, chiều 13-7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và cho ý kiến về dự án luật này.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trình bày Tờ trình về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, quá trình xây dựng Luật đã tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật gồm 8 chương.

Thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới khẳng định, Thường trực Ủy ban nhất trí đối với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hồ sơ dự án luật, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, một số nội dung cụ thể của dự thảo luật như tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh…

Phát biểu điều hành tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên quan nhiều đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân tốt hơn theo quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.