Không lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp
Cấp phiếu lý lịch tư pháp là 1 trong 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố.
Đây là một loại giấy tờ được sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản. Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Thế nhưng, thời gian qua, công tác này còn nhiều bất cập. Đơn cử tại Hà Nội, từng có thời điểm, hàng trăm người đến bộ phận “một cửa” của Sở Tư pháp xếp hàng từ rất sớm để đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Ở góc độ khác, một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động. Trong khi đó, một số địa phương chưa chủ động giải quyết khi lượng hồ sơ tăng đột biến, đã dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó đáng chú ý là do nhận thức của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về phiếu lý lịch tư pháp và pháp luật về lý lịch tư pháp chưa đầy đủ. Chưa kể, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu khi triển khai trực tuyến…
Trước những bất cập trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9-7-2023 về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Với mục tiêu quan trọng là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp về cấp phiếu lý lịch tư pháp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trên; sớm chấm dứt yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết các bộ, ngành cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực hiện đúng quy định pháp luật của cơ quan chức năng nhằm hạn chế việc lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp như từng xảy ra thời gian qua. Cùng với đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, sớm có giải pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định pháp luật...
Đi kèm các giải pháp trên, các địa phương cũng cần đẩy mạnh số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp và giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ tại nhà khi người dân có nhu cầu.
Giải pháp đã có, giờ cần nhất là ý thức và trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong việc thực hiện. Đặc biệt, rất cần sự giám sát và xem đây là tiêu chí đánh giá về cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương, bộ, ngành. Không chỉ dừng lại ở việc cấp phiếu lý lịch tư pháp một cách thực sự hiệu quả, giảm thời gian, chi phí xã hội mà còn phải củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào một nền hành chính thực sự vì người dân, doanh nghiệp.