Chính trị

Tạo đột phá tối đa về thể chế, để Thủ đô tăng tốc phát triển

Hà Phong 13/07/2023 - 14:42

Ngày 13-7, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Ban soạn thảo lần thứ hai để chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Trưởng ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội và đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Sở Tư pháp của một số tỉnh trong Vùng Thủ đô và một số chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan tham dự.

Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất có 6 chương, 59 điều

z4512478002252_953598dc17f55b01984670233cfab680.jpg
Quang cảnh cuộc họp Ban soạn thảo lần thứ hai để chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, cuộc họp này nhằm giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập kiểm đếm, đánh giá về những hoạt động đã triển khai sau cuộc họp lần thứ nhất. Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và bàn về kế hoạch tiếp theo cần tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ trình, chất lượng dự án luật. Trưởng ban soạn thảo đánh giá cao cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành của thành phố Hà Nội, các bộ, ngành với Bộ Tư pháp; trong thời gian ngắn đã có được sản phẩm công phu trình xin ý kiến Ban soạn thảo, Tổ biên tập lần này.

Trình bày về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Thủ đô và kết quả làm việc của Tổ biên tập chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - đại diện Tổ biên tập cho biết: Dự thảo Luật mới nhất gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012).

Cụ thể: Chương I - Những quy định chung, gồm 8 điều, trong đó có 3 điều kế thừa toàn bộ quy định của Luật Thủ đô năm 2012 là Điều 5, Điều 6, Điều 7; các quy định còn lại cơ bản kế thừa, đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Chương II - Tổ chức chính quyền tại Thủ đô gồm 11 điều là chương mới so với quy định của Luật Thủ đô năm 2012. Chương III - Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô, kế thừa có sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 13, 14, 15, 16, 17, 18 và Điều 20 Luật Thủ đô năm 2012.

Chương IV - Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô. Chương V - Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô là chương mới so với Luật Thủ đô năm 2012, được thiết kế trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung quy định tại một số điều Luật Thủ đô năm 2012 và luật hóa một số quy định của Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21-10-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Vấn đề dư luận quan tâm là việc thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo luật quy định đối tượng được thu hút gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài; chế độ đãi ngộ (được hưởng các ưu đãi về tuyển dụng, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành với chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp do HĐND thành phố Hà Nội quy định).

Về bảo vệ, phát triển văn hóa và phát triển giáo dục - đào tạo, dự thảo phân quyền cho HĐND thành phố Hà Nội quy định phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Dự thảo phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách đặc thù về phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn Thủ đô như hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông và trẻ em mầm non, không phân biệt trường công hay tư; cho phép cơ sở giáo dục phổ thông công lập của Thủ đô được liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài.

Tạo tiền đề khai thác tốt các thế mạnh sẵn có của Thủ đô

Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo đã có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực kinh tế, với mong muốn Hà Nội được phân cấp mạnh hơn và được mở rộng thẩm quyền hơn. Cùng với văn hóa, Hà Nội cũng cần trở thành “đầu tàu” trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và y tế.

Đại diện các bộ, ngành cũng trao đổi về một số vấn đề như: Thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù; biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố Hà Nội; thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội; quản lý tài sản công và mô hình thử nghiệm có kiểm soát; thẩm quyền đầu tư; áp dụng pháp luật; thành lập công ty đầu tư, phát triển hạ tầng; doanh nghiệp quản lý, khai thác quỹ đất thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc soạn thảo dự án Luật cần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, Nghị quyết số 30-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Các cơ chế, chính sách quy định tại dự thảo luật là khác với pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa có quy định, nhưng phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuyệt đối tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013. Cần lựa chọn, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để tạo đột phá tối đa về thể chế, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh sẵn có của Thủ đô.

Thống nhất quan điểm này, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Tổ biên tập đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho Thủ đô Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của Hà Nội.

Đồng chí Trưởng ban soạn thảo đề nghị, thời gian tới, Tổ biên tập tiếp tục chia nhóm theo từng lĩnh vực để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; UBND thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp có kế hoạch tổ chức làm việc trực tiếp với từng bộ, ngành liên quan về từng nhóm quy định ở từng lĩnh vực; tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật để tiến hành các thủ tục tiếp theo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm tiến độ đã được xác định tại Kế hoạch soạn thảo dự án luật.