Nông nghiệp - Nông thôn

“Đê hoa” ở Đan Phượng

Nguyễn Mai 13/07/2023 07:41

Tuyến đê Tiên Tân chạy qua địa bàn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) những ngày này ngợp vàng sắc hoa cúc cánh bướm. Hoa đang độ rực rỡ nhất, trải dài ngút ngàn tầm mắt uốn lượn theo triền đê khiến ai qua đường cũng đều ngỡ ngàng. Đê hoa là kết quả của sự chung sức cả cộng đồng nơi đây.

dan-phuong-2.jpg
Tuyến đê ngợp sắc hoa vàng qua xã Đan Phượng.

Bà Nguyễn Thị Luật - người dân địa phương tự hào nói: “Có lẽ, khắp Hà Nội chưa có xã nào có tuyến đê hoa đẹp như xã tôi. Từ ngày có tuyến đê đẹp này, ngày nào chúng tôi cũng đi tập thể dục theo con đê cho đến hết đường hoa, cảm giác thật dễ chịu".

Tuyến đê Tiên Tân qua địa bàn 2 thôn Đại Phùng và Đoài Khê của xã Đan Phượng có chiều dài chừng 2km. Trong đó, xã đã thực hiện được 1km trồng hoa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Hữu Sinh, tuyến đê kiểu mẫu trên địa bàn xã được thực hiện từ đầu tháng 3-2023. Trước đó, con đê cũ ngập rác thải, phế thải xây dựng, rất ô nhiễm.

dan-phuong-3.jpg
Tuyến đê hoa chạy dài ngút tầm mắt...

Khi Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá của xã phát động làm tuyến đê kiểu mẫu, chủ trương này cũng gặp nhiều ý kiến băn khoăn. Có ý kiến cho rằng, đã có những địa phương làm đê kiểu mẫu trồng cỏ, trồng hoa nhưng chỉ được thời gian ngắn không chăm sóc, không duy trì được, cỏ dại mọc trở lại.

Phân tích về những hạn chế khiến mô hình đê kiểu mẫu ở nhiều địa phương chưa như ý, Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Hữu Sinh cho rằng: Nhiều địa phương chọn trồng các loại hoa, cây cảnh kết hợp sắp đặt, tạo hình, dù đẹp mắt nhưng đòi hỏi việc chăm sóc, cắt tỉa, thường xuyên. Trong khi đó, khu vực mái đê mùa hè rất nắng, độ dốc cao nên khó giữ ẩm, có đoạn đê xa khu dân cư nên việc tưới nước là cả vấn đề.

dan-phuong-4.jpg
Hội viên Hội phụ nữ xã Đan Phượng trồng, chăm sóc tuyến đê hoa.

Rút kinh nghiệm từ các địa phương đã làm đê kiểu mẫu trước đây, xã Đan Phượng chọn trồng hoa cúc cánh bướm. “Đây là giống hoa được trồng nhiều ở các khu du lịch, điểm cho thuê chụp ảnh. Hoa nở quanh năm, rất dễ trồng, dễ chăm sóc. Hoa trồng thành thảm nên không cần cắt tỉa, tạo hình. Cây không cao quá, không khuất tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông. Hoa nở rồi kết hạt. Hạt rụng xuống, cây con lại mọc nên tiết kiệm được công trồng…”, ông Nguyễn Hữu Sinh cho biết.

dan-phuong-6.jpg
Sau giờ phút lao động, chị em vui vẻ thưởng ngoạn thành quả...

Bên cạnh chọn giống hoa, kinh phí để làm đê kiểu mẫu cũng là cả vấn đề, xã Đan Phượng đã tuyên truyền đến các thôn, vận động người dân cùng chung sức, hưởng ứng phong trào. Ông Bùi Văn Chức, Bí thư Chi bộ thôn Đại Phùng, một trong số ba thôn của xã Đan Phượng, cho biết: Thôn có gần 900 hộ dân. Để thực hiện, Chi bộ thôn Đại Phùng đã có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Thôn đã tổ chức họp, triển khai sâu rộng đến từng xóm ngõ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cũng từ đây, nhân dân hào ứng ủng hộ ngày công và kinh phí thực hiện.

dan-phuong.jpg
Chiều muộn, rất nhiều người dân tập luyện thể dục, thể thao trên tuyến đê đẹp...

Là thành viên tích cực trong lực lượng trồng và chăm sóc đê hoa, bà Chu Thị Oanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đại Phùng cho biết: “Chính quyền địa phương đã thuê máy dọn sạch phế thải, gạch đá, cỏ rác trên mái đê. Dọn đến đâu, chúng tôi cải tạo đất trồng hoa đến đó. Có ngày, cả xã huy động hơn 200 người ra đê trồng hoa".

dan-phuong-7.jpg
Đường hoa đẹp,  thu hút khá đông người  tới tham quan, chụp ảnh...

Trồng hoa đã khó, duy trì chăm sóc còn khó hơn. Chính vì vậy, xã Đan Phượng đã chia thành từng đoạn nhỏ, đồng thời giao các hội, đoàn thể, các thôn trông nom, chăm sóc.

Sau gần hai tháng trồng, hoa cúc cánh bướm bắt đầu khoe sắc. Từ đó đến nay đã 4 tháng, cây ra hoa liên tục, rực rỡ. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng Vũ Đình Tuấn, việc xây dựng tuyến đê kiểu mẫu không chỉ tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp cho khu vực nông thôn, mà còn giúp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm mái đê, nâng cao ý thức bảo vệ, tự quản hành lang đê; góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo sự gắn bó của người dân với con đê quê hương.