Thủ tướng Chính phủ: Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.
Chiều 12-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ theo hình thức trực tuyến đến các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.
Cùng điều hành hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Dự hội nghị tại điểm cầu chính còn lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; đại diện các sở, ban, ngành thành phố.
100% huyện, xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
100% các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập, thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Các nội dung đăng tải phong phú, đa dạng, tuyên truyền về chuyển đổi số trong rất nhiều ngành, nghề, lĩnh vực, góp phần lan tỏa lĩnh vực chuyển đổi số trong cộng đồng xã hội, mang lại tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân.
Về hạ tầng số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc.
Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đạt 71,43%. Việt Nam có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 43 trung tâm dữ liệu trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.
Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn “lõm” sóng viễn thông, trong đó, có 2.418 thôn “lõm” sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số đủ điều kiện là 90,66%.
Cấp 48 triệu tài khoản định danh điện tử
Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án số 06 và 10/28 dịch vụ công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện còn 18/28 thủ tục, nhóm dịch vụ công trực tuyến chưa được các bộ, ngành hoàn thiện việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Hiện, Cổng dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị; công khai toàn bộ hơn 6,4 nghìn thủ tục hành chính, trong đó, đã tích hợp, cung cấp trên 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến (chiếm hơn 67%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cổng đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, Cổng có hơn 7,77 triệu tài khoản (tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 212 triệu hồ sơ đồng bộ (tăng hơn 1,76 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 17,49 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng (tăng hơn 4,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 10,98 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,056 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái); hơn 315 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Đến nay, Bộ Công an đã cấp 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trước 10 ngày; hoàn thành cấp căn cước công dân cho 100% người đủ điều kiện trên toàn quốc; duy trì dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch sống”; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, tiếp nhận hơn 1 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phòng, chống tội phạm...
Ưu tiên 4 nội dung chuyển đổi số
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, phải nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tập trung thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên 4 nội dung: Phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phát triển hạ tầng, các nền tảng số; đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin.
Theo Thủ tướng, để thực hiện được 4 ưu tiên trên phải huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào thực hiện và tổ chức thực hiện bài bản, chắc chắn, linh hoạt, quyết liệt. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đầu tư nguồn lực cả tài chính và nhân lực cho chuyển đổi số; tập trung xây dựng thể chế để tháo gỡ các nút thắt, khơi thông cho sự phát triển; các nền tảng số phải phong phú, toàn diện, tiện ích; cơ sơ dữ liệu phải đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng với phương châm một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản, áp dụng quy trình rút gọn; nhấn mạnh thể chế phải đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn.
“Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; huy động nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; tăng cường hợp tác quốc tế, từng bước liên kết với hệ thống thông tin công dân các nước ASEAN và một số nước khác; đẩy mạnh truyền thông tạo đồng thuận xã hội trong chuyển đổi số.
Nhấn mạnh, năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công ở cấp độ quốc gia, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.