Hà Nội sẽ tập trung sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ 10 sở
Sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của các sở chuyên ngành, trước hết với 10 sở, là nhiệm vụ tiếp theo sau phân cấp, ủy quyền mà Hà Nội tập trung thực hiện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chiều 12-7, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lần thứ tám, nhiệm kỳ 2020-2025 để đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; cho ý kiến về một số nội dung chuyên đề theo đề xuất của Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND thành phố.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo một số sở, ban, ngành...
Làm rõ ưu điểm, hạn chế, tồn tại
Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện việc quản lý biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được Ban Chỉ đạo quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt.
Đặc biệt, căn cứ chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy và Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Thành ủy - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã thành lập tổ công tác làm việc với 10 sở, 1 đơn vị sự nghiệp và 4 doanh nghiệp về việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Qua đợt làm việc, tổ công tác đã chỉ rõ 4 ưu điểm, 5 tồn tại, hạn chế, xác định 4 nhóm giải pháp và 6 kiến nghị đề xuất với Ban chỉ đạo. Đáng chú ý, đến nay, 6/10 sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ theo Thông tư của Bộ chuyên ngành (Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; Văn hóa và Thể thao, Giao thông Vận tải; Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế); 4 sở đang hoàn thiện dự thảo xin ý kiến các cơ quan để trình UBND thành phố (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng).
Qua làm việc, các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2023 và các quy định về quản lý biên chế của Trung ương, thành phố; chủ động rà soát, đánh giá chất lượng, số lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và bố trí, sắp xếp phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc được giao; triển khai có hiệu quả việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.
Công tác phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết các thủ tục hành chính đã có những kết quả nhất định trong công tác phục vụ tổ chức và nhân dân. Thành phố đã ban hành quy trình nội bộ 543 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 88% số thủ tục hành chính theo phương án ủy quyền đã duyệt và đạt tỷ lệ 100% danh mục các thủ tục hành chính đã thực hiện ủy quyền.
Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội
Thảo luận tại hội nghị, các Phó Trưởng ban và thành viên Ban Chỉ đạo đã đi sâu phân tích những hạn chế, tồn tại liên quan hoạt động của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp thuộc thành phố. Trong đó, các ý kiến chỉ rõ việc xây dựng quy trình nội bộ còn thiếu và ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; việc ban hành và tổ chức thực hiện chưa gắn với quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ xây dựng định mức, đơn giá đạt thấp (khoảng 10%). Việc cá thể hóa trách nhiệm có nơi, có việc chưa rõ...
Đòi hỏi đột phá về tư duy và nhận thức
Kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo; hoan nghênh Đoàn công tác của Ban Tổ chức Thành ủy - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo trong 2 tháng vừa qua đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, tập trung cao độ, làm việc với 15 sở, đơn vị, doanh nghiệp; qua đó đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng cần tiếp tục tập trung triển khai trong thời gian tới liên quan đến sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế; phương án phân cấp, ủy quyền và quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
“Đây là bước tiếp theo sau phân cấp, ủy quyền nhằm giải quyết vấn đề cải cách hành chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp mà dư luận còn phê bình bằng câu nói “Hà Nội không vội được đâu”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải tập trung cao độ, quyết tâm, quyết liệt”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố đã làm điểm thành công việc sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế tại Văn phòng UBND thành phố. Sau đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung triển khai tại các sở chuyên ngành liên quan nhiều tới người dân và doanh nghiệp, trước hết là 10 sở được khảo sát vừa qua. Đây là việc làm cần thiết, là bước đi đột phá; vì tổ chức bộ máy so với chức năng, nhiệm vụ, công việc của các sở đang còn rất cồng kềnh, có biểu hiện chồng chéo, dẫn đến hiệu quả công việc không cao; ảnh hưởng đến chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của các sở, ngành là việc khó khăn, nhạy cảm, nhất là liên quan đến công ăn việc làm, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức. Quá trình làm, ngay cả nhận thức của cán bộ lãnh đạo sở, ngành cũng chưa đầy đủ.
Do đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, để làm tốt nhiệm vụ này, phải tập trung làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giải thích cặn kẽ các chủ trương của Trung ương, thành phố trước hết là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt; cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
“Tôi đề nghị phải làm từng bước chặt chẽ; trước hết, chúng tôi đề nghị đưa ra Ban Thương vụ Thành ủy để thảo luận, cho ý kiến tiếp tạo đồng thuận cao. Ngoài tuyên truyền, vận động, giải thích trong nội bộ, cần chú trọng cả tuyên truyền đối với xã hội, trên báo chí. Tinh thần là nội bộ phải đi trước, phải “thông” trước đã thì ra ngoài mới “thông” được. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, có tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì thành phố mới có điều kiện để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo đã chỉ đạo định hướng một số nội dung cụ thể liên quan để sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo đề xuất của Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Cán sự đảng UBND thành phố.