Lưu ý tiêu chuẩn chất lượng đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên thảo luận chiều 12-7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến tiêu chuẩn chất lượng đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Quy định 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn hoặc các quy hoạch khác có liên quan; chú trọng đến các yếu tố đặc thù và bảo đảm chất lượng đô thị theo quy định.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều với các nội dung cơ bản như đối tượng thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Dự thảo Nghị quyết quy định 6 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, gồm: Tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số; tiêu chuẩn chất lượng đô thị; tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc.
Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, để kịp thời sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết quy định, trong quá trình xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì UBND cấp tỉnh và các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn, đồng thời, lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý; trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.
Căn cứ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn đồng thời với quá trình xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, trong các giai đoạn sau này, cần tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp xử lý, sắp xếp cả đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số quá lớn, gấp rất nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định nhằm bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với năng lực của bộ máy chính quyền và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Xác định phạm vi nghị quyết
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại các địa phương cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn có việc sắp xếp thôn, tổ dân phố. “Trong giai đoạn tới thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính thì tiếp tục thực hiện sắp xếp thôn, tổ dân phố hay không và nếu thực hiện thì thực hiện theo quy định nào? Bởi một khi sắp xếp lại đơn vị hành chính thì phạm vi địa giới và dân số có biến động dẫn đến biến động hiện trạng của các thôn, tổ dân phố”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, qua giám sát có một số vấn đề nổi lên liên quan đến việc xác định phạm vi nghị quyết, trong đó đáng chú ý là nghị quyết có bao quát chủ trương thành lập thành phố trong thành phố như trường hợp của thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến tiêu chuẩn chất lượng đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Trên cơ sở chức năng quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận thấy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị và các quy hoạch khác có liên quan. Đồng thời, sáp nhập nhưng không làm giảm chất lượng đô thị, các đơn vị sau khi sáp nhập phải đảm bảo về loại đô thị, tiêu chuẩn, tiêu chí đô thị, đặc biệt là tiêu chí về cơ sở hạ tầng đô thị.
Đối với tiêu chuẩn đô thị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chỉ rõ, theo nguyên tắc, đơn vị hành chính cấp huyện nhập vào cấp đô thị phải giữ nguyên được chất lượng đô thị và loại đô thị. Tuy nhiên, khu vực nông thôn có chất lượng đô thị kém, nên khi nhập vào đô thị sẽ không đảm bảo được chất lượng đô thị. Do đó, phải có một khoảng thời gian để thực hiện việc quy hoạch và thực hiện đầu tư để nâng loại đô thị. Chính vì vậy, khi yêu cầu phải bảo đảm được chất lượng đô thị mới sắp xếp thì cần thời gian dài hơn để lập quy hoạch và đầu tư nhằm đáp ứng được các tiêu chí để thực hiện sáp nhập.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.