Công nghiệp văn hóa

Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc: Lối đi riêng với tầm nhìn dài hạn

Quỳnh Dương 12/07/2023 - 13:19

Nếu như xuất khẩu văn hóa của Anh và Mỹ bắt nguồn từ xây dựng đế chế kinh tế thì Hàn Quốc lựa chọn hành trình ngược lại:  “Văn hóa đi trước, kinh tế theo sau”. Và thực tế đã chứng minh, con đường xứ Kim chi đi là đúng.

Sau hơn 2 thập kỷ tập trung phát triển, doanh thu từ công nghiệp văn hóa đã đóng góp cho nền kinh tế Hàn Quốc khoảng 120 tỷ USD/năm, chiếm 2,6% thị phần toàn cầu.

Tầm nhìn xuyên thế kỷ

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), mức độ nổi tiếng toàn cầu của các ban nhạc Hàn Quốc như BTS, BlackPink đang lớn hơn bao giờ hết, chưa kể đến sự phổ biến của các bộ phim truyền hình liên tiếp lập kỷ lục trên các nền tảng như Netflix.

Đặc biệt, năm 2020, bộ phim Hàn Quốc “Ký sinh trùng” đã lập kỳ tích khi giành tới 4 giải Oscar, gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắc và Kịch bản gốc xuất sắc.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lĩnh vực phát triển văn hóa và sáng tạo rất đáng chú ý xét về quy mô và tốc độ. Nhờ hướng đi đúng, ngành công nghiệp văn hóa của nước này đã vươn lên vị trí thứ 7 thế giới, tạo ra khoảng 680.000 việc làm mỗi năm.

kpop.jpg
Các ban nhạc Hàn Quốc ngày càng được thế giới biết đến.

Thành tựu này không phải ngẫu nhiên có được mà nhờ chiến lược phát triển văn hóa dài hạn được các nhà lãnh đạo triển khai qua nhiều thời kỳ. Một dấu mốc đáng kể đến về chính sách văn hóa dài hạn đầu tiên của Hàn Quốc là Kế hoạch tổng thể phát triển văn hóa lần thứ nhất, được đề xướng bởi chính phủ Tổng thống Park Chung Hee vào năm 1973 dựa trên nền tảng Đạo luật khuyến khích văn hóa và nghệ thuật, ban hành năm 1972.

Qua nhiều giai đoạn phát triển, mặc dù các mục tiêu của từng thời kỳ có những thay đổi nhất định tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể của đất nước, song định hướng xuyên suốt trong chính sách văn hóa Hàn Quốc là: Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa, nghệ thuật; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của nhân dân và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa. Các chính sách như “Hàn Quốc sáng tạo” (Creative Korea) (2004), “C- Korea 2010” và Kế hoạch phát triển nghệ thuật trung hạn và dài hạn “Sức mạnh của nghệ thuật” (2004) đều thể hiện một tầm nhìn, trong đó văn hóa, du lịch, thể thao và giải trí là động lực thúc đẩy kinh tế và sức mạnh quốc gia.

Để khuyến khích công nghiệp văn hóa phát triển, lĩnh vực này luôn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Hàn Quốc. Trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2005, ngân sách cho văn hóa - nghệ thuật tăng đáng kể, từ 0,6% lên đến 1,05%. Chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã nhận được khoảng 172,3 triệu USD. Đến năm 2023, ngân sách dành cho ngành này lên tới 1,217 tỷ USD.

Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ, Chính phủ Hàn Quốc luôn quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành nhiều quỹ cho văn hóa - nghệ thuật, cải tạo và nâng cấp nhiều trung tâm biểu diễn văn hóa nhỏ, đảm bảo điều kiện vật chất cho các địa điểm biểu diễn và quảng bá, thúc đẩy văn hóa - nghệ thuật thông qua nhiều hoạt động, sự kiện.

1.jpg
Phát triển văn hóa Hàn Quốc được chú trọng trong nhiều thập kỷ.

Hợp tác quốc tế về văn hóa cũng là một nội dung được Chính phủ Hàn Quốc ưu tiên thúc đẩy từ hơn 20 năm qua. Bộ Ngoại giao và Thương mại, Bộ Công nghiệp và Năng lượng cũng như Bộ Văn hóa và Du lịch đều “nhập cuộc” để đưa văn hóa xứ Kim chi lan tỏa toàn cầu.

Nhờ nỗ lực phát triển nội tại cùng chính sách mở rộng mạng lưới và hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại nước ngoài, đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế như  Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), “làn sóng Hàn Quốc” hiện nay đã trở thành hiện tượng toàn cầu, giúp phát huy tầm ảnh hưởng của quốc gia này một cách mạnh mẽ.

Hallyu - hiệu quả qua những con số

Chiến lược phát triển và đầu tư bài bản đã mang lại “quả ngọt” cho nền  công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, trong đó xuất khẩu văn hóa đã thành trào lưu mang tên Hallyu - Làn sóng văn hóa Hàn Quốc hay "Hàn lưu".

tai-xuong(2).jpg
Bộ phim Bản tình ca mùa đông mê hoặc khán giả châu Á một thời. 

Từ những bộ phim truyền hình phát hành tại các nước châu Á đầu những năm 2000 như Trái tim mùa thu (2000), Cô nàng ngổ ngáo (2001), Bản tình ca mùa đông (2002)…, đến nay, văn hóa Hàn Quốc đã “phủ sóng” toàn thế giới với những thành tựu nổi bật về âm nhạc, thời trang, điện ảnh và ẩm thực.

Ví dụ, BTS - nhóm nhạc K-pop đình đám -  gồm 7 thành viên, liên tục tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc quốc tế ngay sau khi ra mắt vào năm 2013. Đến năm 2022, nhóm này đã lập 3 kỷ lục thế giới mới về lượng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội Instagram, TikTok và Twitter. Theo Viện nghiên cứu Hyundai, ước tính, BTS mang đến hơn 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm.

Thông qua phim ảnh cùng nhiều hoạt động quảng bá rộng rãi, những món ăn như kim chi, cơm trộn, Tokbokki hay lễ nghi và trang phục truyền thống của người Hàn Quốc ngày càng được nhiều người biết đến.

bts.jpg
BTS trở thành nhóm nhạc đình đám thế giới.

Hallyu cũng đang làm thay đổi hình ảnh của Hàn Quốc. Nếu như trước đây, hình ảnh về Hàn Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi các từ khóa liên quan đến một đất nước bị chia cắt hay vấn đề vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, thì giờ đây, "Làn sóng Hàn Quốc" đã trở thành hình ảnh đại diện cho Hàn Quốc.

Theo báo cáo “Xu hướng Hallyu toàn cầu năm 2022” do Cơ quan trao đổi văn hóa quốc tế Hàn Quốc công bố vào tháng 9 năm ngoái, trung bình 64,2% số người được hỏi cho biết, nhận thức của họ về Hàn Quốc đã thay đổi tích cực sau khi trải nghiệm "Làn sóng Hàn Quốc" ở nhiều quốc gia khác nhau trên khắp thế giới.

2.jpg
Ẩm thực Hàn Quốc cũng được quảng bá rộng rãi nhờ làn sóng văn hóa.

Giám đốc điều hành Arspraxia Kim Do-hoon, người phụ trách phân tích dữ liệu lớn, cho biết: “Trong cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, Hallyu đã trở thành một xu hướng vượt ra ngoài một hiện tượng văn hóa và thực sự thu hút sự quan tâm.

Về khía cạnh kinh tế, trong số doanh thu khoảng 120 tỷ USD/năm của ngành này, xuất khẩu văn hóa chiếm tới hơn 12 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng sản xuất dẫn đầu như thiết bị gia dụng (8,67 tỷ USD), xe điện (6,99 tỷ USD) và màn hình hiển thị (3,6 tỷ USD). Một báo cáo của Ngân hàng Xuất nhập khẩu do chính phủ điều hành cho biết, xuất khẩu văn hóa tăng 100 triệu USD sẽ kéo theo xuất khẩu hàng tiêu dùng như mỹ phẩm và thực phẩm tăng 180 triệu USD.

Giáo sư tại Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Quốc gia Seoul, ông Hong Seok-kyung nhận định: “Giờ đây, Hàn Quốc đã cho thấy rằng mình có năng lực văn hóa và trở thành một chủ thể văn hóa có khả năng mê hoặc các quốc gia khác thông qua quá trình phát triển riêng. Đây là thời điểm thích hợp để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng một cách tinh tế hơn Hallyu cả trên khía cạnh công nghiệp và ngoại giao”.

Còn theo đánh giá của OECD, bất chấp những lập luận ban đầu cho rằng Hallyu là một xu thế nhất thời, làn sóng này đang chứng minh điều ngược lại thông qua sự phát triển bền vững và lâu dài. Việc phân tích nguyên nhân và yếu tố dẫn tới thành công của Hallyu sẽ mang đến kinh nghiệm cho nhiều quốc gia trong bối cảnh văn hóa đang được coi là nguồn “sức mạnh mềm” hiệu quả.