Đảng bộ thành phố Hà Nội: Đổi mới công tác nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng
Đảng bộ Hà Nội hiện có 50 Đảng bộ trực thuộc (30 Đảng bộ quận, huyện, thị xã; 20 trực thuộc), gần 48 vạn đảng viên (chiếm khoảng 9% tổng số đảng viên của cả nước), trong đó đông đảo các nhà khoa học, văn nghệ sỹ, trí thức, cán bộ trung cao cấp... là nguồn lực quý giá, là điều kiện quan trọng góp phần tăng cường sức chiến đấu cho Đảng bộ thành phố.
Vì vậy, việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Chủ động đổi mới việc học tập, quán triệt, đa dạng hóa hình thức
Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết là khâu đầu tiên và rất quan trọng nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhận thức rõ điều đó, sau khi các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương được ban hành, sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo thực hiện để các cấp triển khai học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng. Hầu hết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được phổ biến, quán triệt đến các chi bộ.
Trong quá trình triển khai, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải nghiêm túc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng với phương châm: “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”; xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và giải pháp được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để tập trung triển khai quyết liệt trong toàn Đảng bộ.
Để phù hợp thực tế, việc áp dụng công nghệ thông tin được thực hiện ở hầu hết các lĩnh vực công tác và trong đời sống xã hội. Do đó, trong tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng bằng hình thức trực tuyến hoặc khai thác các nền tảng của mạng viễn thông là xu thế khách quan vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí đi lại, mở rộng đến nhiều cấp, nhiều đối tượng, cấp cơ sở được trực tiếp tiếp thu các bài giảng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, báo cáo viên Trung ương, với việc phân tích cụ thể các nội dung của chỉ thị, nghị quyết... Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền thực hiện nghị quyết bằng hình thức trực tuyến đem lại hiệu quả cao.
Việc phát hành tài liệu học tập cũng đã có sự đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả tích cực, thông qua việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội như: sử dụng quét mã “QR” văn bản cho cán bộ, đảng viên khi tham gia học tập nghị quyết; biên soạn bộ câu hỏi tìm hiểu nội dung cơ bản của nghị quyết trên trang thông tin điện tử để cán bộ, đảng viên và quần chúng truy cập tìm hiểu... Hà Nội là địa phương duy nhất trong cả nước tổ chức học tập, quán triệt 10 Chương trình công tác Thành ủy (khóa XVII) bằng hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến từ điểm cầu Thành phố kết hợp với truyền hình, phát thanh trực tiếp trên 2 kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội để đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân được theo dõi, lĩnh hội.
Hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, trong đó khai thác trên các nền tảng internet và mạng xã hội, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ Thành phô, Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội, hệ thống các cơ quan báo chí, bản tin của Thành phố, các website, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, các nhóm zalo tổ dân cư, trang facebook huyện, thị xã... Ngoài ra, hoạt động thông tin, tuyên truyền còn được tăng cường qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tuyên truyền lưu động, hệ thống thông tin cơ sở...
Đặc biệt, để tích cực lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ nội dung, tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đến đông đảo quần chúng, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tháng 8/2022 thành phố Hà Nội đã phát động và tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị... Hội thi là một đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc, lần đầu tiên được tổ chức ở Thủ đô (với hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến ở vòng sơ khảo và hình thức “sân khấu hóa” ở vòng chung khảo), nhận được sự tham gia của hơn 1 triệu lượt thí sinh dự thi. Sự thành công của Hội thi là đã lan tỏa sâu rộng các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thủ đô “Văn hiến – Văn Minh - Hiện đại”, góp phần đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống.
Ở Đảng bộ Hà Nội, cùng với việc mở điểm cầu tiếp thu thông tin từ Hội nghị trực tuyến do Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4,5,6; thành phố đã tiến hành kết nối từ 226 đến hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc, các xã, phường, thị trấn với sự tham gia học tập của trên 45.000 cán bộ, đảng viên.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập, nghiên cứu
Để tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp đó là:
Một là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết từ cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đến các cán bộ, đảng viên. Chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu và xác định rõ việc học tập nghị quyết là nhu cầu tự thân, vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Đây được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài góp phần khắc phục có hiệu quả biểu hiện “lười học” nghị quyết của Đảng, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết. Sự lãnh đạo, chỉ đạo cần sát sao, quyết liệt, đồng bộ, có sự kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; phát huy tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong việc xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động nhằm cụ thể hóa nghị quyết. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ba là, cân nhắc, lựa chọn hình thức lớp học phù hợp với từng đối tượng, đổi mới cách thức tổ chức lớp học, cách học với các hình thức đa dạng, như tổ chức hội nghị chung, lớp học chuyên đề; thông qua sinh hoạt chi bộ; qua việc tự nghiên cứu tài liệu; đảng viên thuộc lĩnh vực nào thì tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu ở lĩnh vực đó.
Bốn là, nghiên cứu xây dựng các tài liệu theo hướng chuyên sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp phát tới từng chi bộ để cán bộ, đảng viên dễ dàng học tập, nghiên cứu và tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ứng dụng sách học tập nghị quyết điện tử, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên các báo, tạp chí lớn của Trung ương, qua internet, mạng xã hội, tạo điều kiện cho người học tiếp cận tài liệu nghiên cứu, học tập một cách thuận tiện, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng. Kết quả nghiên cứu, học tập và thực hiện chương trình hành động phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm và cả nhiệm kỳ. Sau mỗi đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần chú ý chỉ đạo thực hiện công tác sơ kết, rút kinh nghiệm; từ đó, đề ra biện pháp khắc phục triệt để “bệnh hình thức”, qua loa, đại khái; đồng thời, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân.
Phạm Thanh Học
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội