IGAD kêu gọi thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt xung đột tại Sudan
Cơ quan Liên chính phủ về phát triển khu vực Đông Phi (IGAD) kêu gọi Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ngừng bắn, đồng thời cân nhắc triển khai lực lượng đến quốc gia Bắc Phi để bảo vệ thường dân.
Theo Tân Hoa xã, IGAD, bao gồm 8 quốc gia trong và xung quanh vùng Sừng châu Phi, đã nhóm họp tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, để khởi động một tiến trình hòa bình cho cuộc xung đột ở Sudan.
Tuy nhiên, cuộc họp của IGAD gặp trở ngại do phái đoàn SAF từ chối tham dự, với lý do cơ quan này đã phớt lờ yêu cầu thay thế người dẫn đầu các cuộc đàm phán hiện do Tổng thống Kenya William Ruto đảm trách.
Trong một tuyên bố, IGAD cho biết đã đồng ý yêu cầu của Lực lượng dự phòng Đông Phi (EASF) về việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh nhằm giải quyết tình trạng xung đột tại Sudan và cân nhắc khả năng triển khai EASF đến quốc gia Bắc Phi để bảo vệ dân thường và bảo đảm tiếp cận nhân đạo.
Sau cuộc họp kể trên, Tổng thống Kenya William Ruto kêu gọi SAF và RSF ngừng bắn vô điều kiện, thành lập một hành lang an toàn trên bán kính 30km ở thủ đô Khartoum của Sudan để hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo.
Quan điểm của IGAD nêu rõ tầm quan trọng của việc thiết lập một cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả, đồng thời kêu gọi các lãnh đạo SAF và RSF gặp mặt trực tiếp do tình trạng xung đột tại Sudan không thể được giải quyết bằng những giải pháp quân sự.
Aljazeera thông tin, các cuộc đàm phán của IGAD diễn ra vài ngày sau cuộc không kích nhằm vào khu dân cư ở thành phố Omdurman của Sudan, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và nhiều trường hợp khác bị thương
Giao tranh nổ ra vào ngày 15-4 tại Khartoum, trước khi nhanh chóng lan sang các khu vực khác của Sudan. Xung đột bạo lực khiến hơn 2,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, buộc gần 700.000 người chạy sang các quốc gia láng giềng. Các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn giao tranh giữa hai lực lượng SAF và RSF cho đến nay đã tỏ ra không hiệu quả.
Trước đó, Ai Cập thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 13-7 với sự tham gia của các quốc gia láng giềng của Sudan, gồm Ethiopia, Kenya, Somalia và Nam Sudan để thiết lập các cơ chế hiệu quả và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình trạng xung đột.