Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng xã hội học tập
Sáng 11-7, chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, sẽ chỉ đạo xây dựng nghị quyết chuyên đề về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Nội dung cuộc làm việc là về tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TƯ ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TƯ ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đồng chủ trì cuộc làm việc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà dự.
Hoàn thành cả bốn mục tiêu cơ bản
Trình bày báo cáo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết: Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND thành phố thực hiện tốt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Kết thúc giai đoạn 2012-2020, Hà Nội là địa phương hoàn thành cả bốn mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Cụ thể, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%); số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%); số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%); số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)... Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã hội học tập.
Tiếp tục thúc đẩy xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030, Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 16-12-2021 thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” thành phố Hà Nội; đồng thời, chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn... Giáo dục và đào tạo còn là một trong ba lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo.
Hội Khuyến học thành phố Hà Nội có 60 đơn vị thành viên (ở 30 quận, huyện, thị xã và 30 trường đại học, cao đẳng); 579 hội xã, phường, thị trấn; 6.585 chi hội; 11.462 Ban khuyến học với tổng số hơn 1,5 triệu hội viên, chiếm 19,5% dân số thành phố.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, hoạt động của các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên địa bàn đã đi vào thực chất và từng bước mở rộng. Năm 2021, Hội Khuyến học Hà Nội thí điểm thành công xây dựng mô hình “Công dân học tập”, đến năm 2022 đã triển khai toàn thành phố...
Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, các sở liên quan đã trao đổi, giải đáp 3 nhóm kiến nghị, đề xuất của Hội Khuyến học Hà Nội về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thi đua khen thưởng; vướng mắc về con dấu, chế độ hội đặc thù, kinh phí hoạt động... Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thị Hòe cũng đã trao đổi, nêu một số đề nghị liên quan.
Nghiên cứu ban hành Nghị quyết trong năm 2023
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan khẳng định: Muốn xây dựng xã hội học tập, cần 3 yếu tố: Có sự cam kết chính trị của hệ thống chính trị; cam kết vận động nguồn kinh phí và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, ban, ngành...
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thủ đô theo 3 yếu tố căn bản này.
Đồng chí Nguyễn Thị Doan cũng đề nghị thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo thành phố về xây dựng xã hội học tập, có Phó Chủ tịch UBND thành phố và giám đốc một số sở, ngành tham gia; định hướng xây dựng Hà Nội thành thành viên mạng lưới “thành phố học tập” của UNESCO; quan tâm giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hội Khuyến học Hà Nội...
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng; truyền thống hiếu học, trọng học, thành phố Hà Nội luôn dành ưu tiên cao nhất cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về vấn đề này. Trong đó, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã xác định: “Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”.
Khẳng định kết quả tích cực của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố thời gian qua, nhất là hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản Đề án của Chính phủ về công tác xây dựng xã hội học tập, Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt lưu ý những kiến nghị, đề xuất của Hội Khuyến học Hà Nội, các ý kiến góp ý của lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, coi đây là những hạn chế, tồn tại mà thành phố phải quan tâm, tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố sẽ tập trung thực hiện Kết luận số 49-KL/TƯ ngày 10-5-2019 của Ban Bí thư (khóa XII); xác định rõ công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ quan trọng phải làm để có kết quả tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ đô; tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, sẽ chỉ đạo xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với công tác này; phấn đấu hoàn thành trong năm 2023.
Những vấn đề hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc đưa ra lần này mà chúng ta tập trung khắc phục, tháo gỡ được cũng chính là khơi thông nguồn lực để phát triển Thủ đô bền vững. Tôi đề nghị ngay sau cuộc làm việc này, các sở, ban, ngành cùng suy nghĩ, vào cuộc trách nhiệm để giải quyết nhanh, cụ thể từng vấn đề đặt ra - Bí thư Thành ủy chỉ đạo.