Hiệu quả từ phong trào sáng kiến, sáng tạo
Sau 2 năm thực hiện phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” giai đoạn 2021-2025, hàng chục nghìn sáng kiến, sáng tạo trong lao động sản xuất đã được hình thành. Qua đó, góp phần làm lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng, thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Khơi dậy niềm đam mê
Thời gian qua, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” tiếp tục được thành phố Hà Nội tập trung đẩy mạnh, triển khai tới từng đơn vị, doanh nghiệp. Phong trào đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào sự phát triển, tạo bứt phá mới đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Với sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, từ năm 2021 đến tháng 4-2023 đã có 128.668 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, trong đó hằng năm có hơn 1.000 sáng kiến được công nhận về phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng ở cấp thành phố. Nhiều mô hình sáng kiến đã được các tỉnh/thành trong nước học tập, đúc kết kinh nghiệm.
Điển hình như sáng kiến “Cải tiến chất lượng khuôn và giảm chi phí sửa khuôn bằng cải tiến bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp” của anh Hoàng Văn Thành, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam. Do nhận thấy bản vẽ thiết kế khuôn của nhà cung cấp vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế, dẫn tới chi phí sửa hằng năm rất cao. Vì vậy, anh Hoàng Văn Thành đã chủ động lên ý tưởng và họp với nhà cung cấp để họ tự nhận ra được điểm chưa phù hợp và cải tiến để đáp ứng nhu cầu thực tế. Kết quả đã giúp giảm chi phí sửa trung bình 1.400USD/khuôn, tiết kiệm 16 tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực y tế, có rất nhiều sáng kiến, sáng tạo có giá trị lần đầu tiên được công bố, áp dụng. Một trong số đó là sáng kiến “Khung nắn chỉnh ngoài tự chế trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy” của bác sĩ Đoàn Anh Tuấn. Bộ dụng cụ được sử dụng thành công tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong phẫu thuật điều trị gãy thân hai xương cẳng chân bằng kết xương đinh nội tủy không mở ổ gãy. Bộ dụng cụ rất an toàn, không gây tai biến và biến chứng, giúp quá trình nắn chỉnh trong phẫu thuật được nhanh chóng, giảm số lượng bác sĩ trong ca phẫu thuật. Chi phí làm ra khung nắn chỉnh chỉ hết 7-10 triệu đồng, trong khi nhập bàn chỉnh hình có trị giá hàng tỷ đồng. Do vậy, sáng kiến này giúp giảm chi phí trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, đồng thời giảm chi phí cho bệnh viện.
Phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp các đơn vị, doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, phong trào tập trung vào đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân thông qua việc đẩy mạnh áp dụng cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, áp dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Phong trào đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm của thành phố Hà Nội.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào
Dù đạt những kết quả đáng khích lệ, song theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, sáng kiến Thủ đô Nguyễn Hồng Sơn, tại một số đơn vị, các phong trào thi đua sáng kiến, sáng tạo chưa được chú trọng, việc nhân rộng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế với nhiều thách thức, việc đẩy mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” nói riêng là hết sức cần thiết.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị của thành phố tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực tuyến; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, thông tin, giới thiệu sáng kiến, ý tưởng mới, các hoạt động sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Đồng thời, quán triệt việc triển khai đăng ký sáng kiến đối với các cá nhân trong cơ quan, đơn vị; thực hiện có hiệu quả việc xét, công nhận sáng kiến tại cơ sở; đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến; tổ chức các hội thi sáng tạo, triển lãm kết quả lao động sáng tạo. Bên cạnh đó, khuyến khích, ưu tiên, khen thưởng kịp thời các cá nhân thuộc đơn vị thực hiện sáng kiến, như bố trí thời gian, hỗ trợ kinh phí, tài liệu, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ; tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập, từng bước xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”; đẩy mạnh cơ chế đặt hàng nghiên cứu các vấn đề quan trọng, cấp thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.