Chuyển đổi số

Xây dựng xã hội số: Tập trung vào yếu tố con người

Hà Phong 10/07/2023 - 06:38

Thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đang đẩy mạnh cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số; huy động sự vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong xây dựng chính quyền số, cơ quan nhà nước “không giấy tờ”. Đích đến là xây dựng xã hội số, con người số với lộ trình và bước đi phù hợp.

Xu thế tất yếu

Giám đốc Giải pháp SAP Việt Nam Trần Tịnh Minh Triết cho biết, chuyển đổi số không phải sự lựa chọn mà là xu thế tất yếu. Vấn đề đang đặt ra hiện nay trong tiến trình chuyển đổi số, đó là thiếu nhân lực chất lượng thực hiện tư vấn, đào tạo, quản lý, thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số; đẩy mạnh chương trình đào tạo chuyên đề về chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, các ứng dụng số tiêu biểu. Từ đó, làm rõ trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức khối các cơ quan thành phố và nâng cao nhận thức toàn diện cũng như kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số để phục vụ công tác chuyên môn tại đơn vị.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành phố Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, trong quá trình triển khai, Hà Nội ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đối với các ngành, lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công toàn trình; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số. Đến năm 2030, Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Về xây dựng chính quyền số, mục tiêu Hà Nội đặt ra là xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng ở cả 3 cấp... Để đạt được mục tiêu đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, thường xuyên cập nhật, nâng cao nhận thức toàn diện cũng như kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số để phục vụ công tác chuyên môn tại đơn vị…

Cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh, có 2 yếu tố quan trọng xây dựng “con người số” là nhận thức số và năng lực số. Nhận thức số đóng vai trò rất quan trọng, vì chuyển đổi số có tính chất phá hủy, thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc cũ. Nếu nhận thức không đúng vai trò của nó thì không có quyết tâm để thực hiện thay đổi. Do đó, các cấp Công đoàn là tổ chức đại diện của người lao động cần tạo môi trường để người lao động phát triển kỹ năng số. Việc đầu tiên, phải làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số thông qua hình thức phù hợp tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, để mỗi đoàn viên, người lao động đều hiểu, nắm bắt được chủ trương chung của Chính phủ, Thủ đô về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo thành phố về các chủ trương, chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện chuyển đổi số.

Cũng theo ông Phạm Bá Vĩnh, về phía Công đoàn các cấp cần gương mẫu đi đầu, thay đổi về phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tác nghiệp, phải số hóa trong chuyển tài liệu, giao ban trực tuyến... để bắt kịp xu thế và thực hiện tốt nhiệm vụ, xây dựng Thủ đô thông minh, chính quyền điện tử. Cùng với đó là đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chung tay góp phần thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô ngày một giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Hệ lụy khi thực hiện chuyển đổi số là dôi dư nhiều lao động. Vai trò của tổ chức Công đoàn là quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Vì vậy, tổ chức Công đoàn phải vào cuộc để có biện pháp thỏa đáng trong xây dựng cơ chế, chính sách về tiền lương; hỗ trợ người lao động trang bị kỹ năng số để tiếp cận và thụ hưởng những ưu việt mà kỷ nguyên số mang lại cho cuộc sống của mình, từ đó dẫn tới thay đổi cách sống, cách làm việc.