Mỹ quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine: Bước đi nhiều rủi ro
Việc chính quyền của Tổng thống Joe Biden đồng ý cung cấp bom chùm cho Ukraine - loại vũ khí sát thương bị cấm ở hơn 100 quốc gia - đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn cầu.
Mỹ đã quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD. Bất chấp những lo ngại về quyền con người cũng như thương vong mà loại vũ khí gây tranh cãi này có thể gây ra cho dân thường. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, “rất khó khăn” khi đưa ra quyết định này và theo một thông báo của Nhà Trắng, quyết định được đưa ra sau khi đã thảo luận và cân nhắc với sự cẩn trọng tối đa.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phản đối quyết định của Washington với việc cung cấp bom chùm cho Kiev. Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, cung cấp bom chùm cho Ukraine không phải quyết định của liên minh quân sự này, mà là chính sách riêng của Mỹ. Tổ chức Ân xá quốc tế cũng chỉ trích quyết định của Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi Washington xem xét lại chính sách của mình. Bản thân những thành viên chủ chốt của NATO như Đức, Tây Ban Nha, Canada đều công khai phản đối việc gửi bom chùm cho Ukraine. Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố, London không khuyến khích sử dụng loại vũ khí này.
Phản ứng của Nga và Ukraine, hai nước trực tiếp đối đầu trong cuộc xung đột, đương nhiên là trái ngược trước quyết định của Washington. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các quan chức cấp cao khác của nước này kêu gọi tiếp nhận và tích trữ vũ khí mới, và cho rằng đây là cách tốt nhất để phá vỡ các chiến hào của Nga, thứ đang làm chậm cuộc phản công của Kiev. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng, quyết định của Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine là một hành động nhằm kéo dài cuộc xung đột tại nước này.
Làn sóng phản đối gay gắt diễn ra trên toàn cầu, thậm chí từ chính các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lẫn Liên minh châu Âu (EU) là có nguyên nhân. Bom chùm, vốn là dạng cải tiến của bom bi mà Mỹ từng sử dụng tại Việt Nam, thường phát tán thành nhiều quả bom nhỏ bên trong, có khả năng gây sát thương rộng. Ngay cả khi xung đột kết thúc, những quả bom không phát nổ tiềm ẩn nguy hiểm kéo dài nhiều thập kỷ, khi trở thành hiểm họa tàn tật cho dân thường, đặc biệt là trẻ em.
Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã hao tổn không ít công sức và tiền của để rà phá bom chùm... Vì thế, hơn 120 quốc gia, trong đó có cả các đồng minh của Washington như Anh, từ năm 2008 đã cùng ký vào Công ước Liên hợp quốc về bom, đạn chùm (CCM), nhất trí cấm sản xuất, sử dụng loại vũ khí tàn nhẫn này.
Tuy vậy, theo giới chuyên gia quân sự, có không ít lý do để Mỹ đi đến quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine. Trước hết, các vũ khí chùm là một lựa chọn được quan tâm với quan điểm giúp tiêu diệt nhiều mục tiêu hơn với ít đạn dược hơn. Mặt khác, tờ Al Jazeera (Qatar) thông tin, Mỹ đã không sử dụng bom chùm trong xung đột kể từ cuộc chiến tại Iraq năm 2003, đồng nghĩa nguồn dự trữ sẽ dồi dào, theo một số ước tính vào khoảng 3 triệu đến 5 triệu quả, đủ để “giải cơn khát” đạn dược mà các lực lượng Ukraine đang đối mặt.
Trong khi đó, Kyiv Post (Ukraine) đánh giá, phần lớn kho bom chùm của Mỹ là những quả đạn “giá rẻ” 155mm phù hợp với pháo Caesar của Pháp và Krab của Ba Lan, cùng tên lửa 227mm phù hợp với các bệ phóng M270 và HIMARS. Đây đều là những vũ khí viện trợ mà quân đội Ukraine đã sử dụng thành thục.
Việc chuyển giao bom chùm cũng không vướng rào cản pháp lý quốc tế, khi có 8 trong số 31 thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ, cũng như Ukraine và Nga đều không ký vào Công ước CCM. Trở ngại duy nhất với Washington nằm ở một đạo luật Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 2009, theo đó cấm xuất khẩu các loại đạn dược chùm với tỷ lệ chưa nổ ngay trên 1%. Theo Lầu Năm Góc, tỷ lệ “tịt” của bom chùm gửi cho Ukraine là 2,35%. Tuy nhiên, các chuyên gia luật nhận định, Tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể “vô hiệu hóa” lệnh cấm với lý do bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia.
Quyết định mạo hiểm và gây tranh cãi lần này cho thấy, Washington sẵn sàng tìm mọi cách để ngăn chặn những thất bại quân sự đối với Kiev, qua đó mang tới một thất bại chiến lược cho Mátxcơva. Tuy nhiên, dù viện dẫn lý do gì, bất kỳ lực lượng nào cố tình lạm dụng những vũ khí sát thương vốn đã để lại nhiều “vết sẹo” đau đớn cho nhân loại đều là điều khó chấp nhận.