Chú trọng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình
Những năm gần đây, thành phố Hà Nội triển khai nhiều giải pháp thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhưng kết quả chưa như kỳ vọng. Để mở rộng “lưới” an sinh, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tích cực vào cuộc, đến từng nhà, vận động từng người tham gia các chính sách.
Chưa đi sâu vào đời sống
Góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân, thành phố Hà Nội luôn quan tâm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trọng tâm là bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Với bảo hiểm xã hội tự nguyện, Hà Nội hiện là địa phương hỗ trợ mức đóng cho người tham gia cao nhất cả nước, gấp 2 lần so với quy định chung (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 60%; người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%, các trường hợp khác được hỗ trợ 20%). Theo hướng này, năm 2022, Hà Nội hỗ trợ thêm cho 44.635 người tham gia với số tiền 8,2 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số người thụ hưởng và số tiền hỗ trợ tiếp tục tăng, lần lượt là 52.865 người, với 10,7 tỷ đồng.
Mặc dù không hạn chế số lượng người được hỗ trợ mức đóng, nhưng tỷ lệ lao động tham gia chính sách còn thấp. Tính đến thời điểm cuối tháng 6-2023, Hà Nội có gần 77.000 người lưu tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện, bằng 1,75% lực lượng lao động trong độ tuổi, thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước (cả nước đạt khoảng hơn 3%)...
Về bảo hiểm y tế hộ gia đình, toàn thành phố hiện có hơn 1,54 triệu người tham gia, bằng gần 20% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế của thành phố. Tuy nhiên, trong số gần 7% dân số ở Thủ đô chưa tham gia bảo hiểm y tế, đa số là thành viên các hộ gia đình.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về an sinh xã hội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho rằng, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về tính ưu việt của bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, nên chưa tham gia; còn một bộ phận người dân dù biết đến các chính sách, nhưng chưa đủ khả năng kinh tế để tham gia. Về phía cơ quan chức năng, ngoài những bất cập từ chính sách vĩ mô, một số nơi chưa chủ động huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, trực tiếp là các hội, đoàn thể ở cơ sở nhằm đưa các chính sách lan tỏa, thấm sâu vào đời sống.
Nối dài những “cánh tay” đắc lực
Thực tế, ngoài các chính sách quan tâm, trợ giúp, cách tốt nhất đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đi vào đời sống là để từng người, từng gia đình thấy rõ tính ưu việt, nhân văn của các chính sách và chủ động, tự nguyện tham gia. Vì vậy, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội chú trọng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình thông qua các hội, đoàn thể ở cơ sở như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... Đáng chú ý, không ít cán bộ Mặt trận nhiệt tình vận động nguồn lực xã hội cho Quỹ “Vì người nghèo” để trích một phần hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn...
Tại quận Long Biên, Phó Chủ tịch UBND quận Đinh Thị Thu Hương cho hay, quận đang hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho gần 300 người thuộc hộ cận nghèo; đã tặng nhiều thẻ bảo hiểm y tế cho người gặp khó khăn bằng kinh phí từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn từ Quỹ “Vì người nghèo”. Nhờ đó, Long Biên có bước phát triển ấn tượng về bảo hiểm xã hội tự nguyện với 2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia, còn bảo hiểm y tế đến với đại đa số thành viên các hộ gia đình.
Cũng nhờ huy động sức mạnh của các hội, đoàn thể ở địa phương, nòng cốt là Hội Phụ nữ, đến thời điểm này, huyện Ba Vì thu hút nhiều người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhất thành phố với số lượng hơn 3.800 người, bằng khoảng 2% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tương tự, các cấp Hội Phụ nữ của huyện Chương Mỹ luôn “xung kích” trong việc vận động người dân tham gia các chính sách. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Luyến chia sẻ, phụ nữ thường đảm nhận vai trò “tay hòm chìa khóa”, nên họ biết rõ khả năng tài chính của gia đình. Chỉ cần hiểu rõ về các chính sách, nhiều người sẵn sàng chi một khoản tiền để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mua thẻ bảo hiểm y tế cho bản thân và người thân...
Trên phạm vi rộng hơn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, các hội, đoàn thể ở cơ sở là “cánh tay” đắc lực, nối dài của cơ quan chức năng trong quá trình đưa các chính sách vào đời sống. Bởi vậy, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các sở, ngành, cơ quan chức năng tiếp tục thu hút cán bộ, hội viên có uy tín của các hội, đoàn thể làm đại diện các tổ chức dịch vụ thu, nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phấn đấu đến cuối năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Hà Nội đạt 2% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình đạt hơn 20% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế.