Còn nhiều bất cập trong xử lý rác thải
Hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn đọng hàng chục nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng trên kéo dài nhiều tháng nay, nhưng các địa phương và doanh nghiệp vệ sinh môi trường chậm triển khai phương án vận chuyển, xử lý rác thải, gây bức xúc trong nhân dân.
Tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường
Có mặt tại điểm tập kết rác xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) vào đầu tháng 7-2023, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, rác thải sinh hoạt tràn ra cả một khu vực rộng lớn, nước rác chảy xuống khu đất sản xuất nông nghiệp của người dân, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ước tính, có khoảng 1.000 tấn rác lưu cữu tại điểm tập kết này. Trong khi đó, theo Hợp đồng số 65/HĐ-VSMT giữa huyện Quốc Oai và Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Quốc Oai phải được vận chuyển đi xử lý trong ngày. Thế nhưng, thực tế tại điểm tập kết rác thải xã Sài Sơn và 19 điểm tập kết rác thải khác trên địa bàn huyện Quốc Oai từ đầu năm 2023 đến nay tồn đọng khoảng 7.500 tấn rác.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thực trạng trên cũng đang diễn ra tại nhiều quận, huyện, thị xã. Cụ thể, tại huyện Thạch Thất còn tồn đọng 7.000 tấn rác, Đan Phượng 3.600 tấn, Chương Mỹ 3.590 tấn, Thường Tín 3.000 tấn, Ba Vì 1.500 tấn, Ứng Hòa 300-400 tấn…, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây bức xúc trong nhân dân.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng chục doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước tham gia thu gom, xử lý rác thải, song năng lực của các doanh nghiệp lại không đồng đều và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Phương tiện thu gom của các doanh nghiệp chưa phù hợp, công nghệ xử lý rác lạc hậu; thiếu các trạm trung chuyển để tái chế, phân loại và xử lý rác thải. Ngoài ra, từ ngày 7-2 đến nay, Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây - Ba Vì) dừng hoạt động, toàn bộ lượng rác thải của những địa phương này phải phân luồng lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Tuy nhiên, do cung đường vận chuyển xa, chi phí tăng, nên các doanh nghiệp môi trường chỉ chở được 1-2 chuyến/ngày, thay vì chở 3-4 chuyến/ngày như trước, dẫn đến lượng rác thải không được vận chuyển hết trong ngày và tồn đọng nhiều.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Bùi Chí Hoài Anh cho biết, khi tồn đọng lượng lớn rác thải, các địa phương, doanh nghiệp phải báo ngay để trung tâm hướng dẫn phương án xử lý, như: Tăng tần suất, tăng khối lượng vận chuyển rác lên Khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), hỗ trợ thuê xe chuyên dùng, nhằm vận chuyển hết lượng rác lưu cữu tại các địa phương. “Thực tế, từ tháng 2-2023 đến nay, chúng tôi đã giải quyết lượng rác tồn đọng cho 4 địa phương, là: Hoàng Mai, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Oai, nên đến nay người dân không còn kiến nghị rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường”, ông Bùi Chí Hoài Anh thông tin.
Xử lý theo hướng bền vững
Để hạn chế ô nhiễm môi trường tại các điểm tồn đọng rác thải sinh hoạt trong thời gian chờ phương án xử lý triệt để của các sở, ngành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Hà Nội Bùi Chí Hoài Anh đề nghị các địa phương và doanh nghiệp vệ sinh môi trường triển khai che phủ bạt, rắc vôi bột, phun thuốc khử mùi, diệt côn trùng tại các điểm tập kết rác. Các quận, huyện, thị xã tăng cường lực lượng công an đi tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp đổ trộm và đốt rác thải, gây ô nhiễm môi trường…
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, còn về lâu dài, thành phố Hà Nội cần triển khai đồng bộ giải pháp, nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu khối lượng rác thải chôn lấp, tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, Sở đang trình UBND thành phố Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, dự kiến ban hành vào cuối năm 2023 và triển khai trên toàn thành phố Hà Nội vào đầu năm 2025. Sở cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát, đánh giá lại năng lực của các đơn vị được cấp chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại một số địa phương, nhưng chưa triển khai để thu hồi giao cho đơn vị khác.
Ngoài ra, Sở còn tham mưu UBND thành phố yêu cầu Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Ý khẩn trương hoàn thành lắp đặt thiết bị đốt rác phát điện giai đoạn 3 để đưa nhà máy vào hoạt động 100% công suất (đốt 4.000 tấn rác/ngày-đêm) vào cuối năm 2023; đưa Nhà máy điện rác Seraphin trong Khu xử lý chất thải Xuân Sơn vào hoạt động từ quý I-2024. Cũng liên quan đến Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND thành phố về việc chấp thuận một số nội dung liên quan đến công tác quản lý, thực hiện hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải sinh hoạt phát điện tại Nhà máy Điện rác Sóc Sơn của Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Ý. Trong thời gian chờ liên ngành và nhà đầu tư họp điều chỉnh nội dung Hợp đồng số 08/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thành phố xem xét, chấp thuận cho phép sở được ký hợp đồng đặt hàng xử lý chất thải sinh hoạt năm 2023 với Nhà máy Điện rác Sóc Sơn theo giá tạm tính là 21 USD/tấn.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các huyện Phú Xuyên, Gia Lâm, Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn theo quy hoạch…
Khi những dự án này đi vào hoạt động, thành phố Hà Nội sẽ giải được bài toán xử lý rác thải theo hướng bền vững; đồng thời, chuyển hóa rác thải thành nguồn tài nguyên hữu ích để phát triển kinh tế - xã hội…