Kinh tế

Bài 2: Những kinh nghiệm quốc tế thú vị và sáng tạo

ThS. Phạm Hoàng Hà (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính) 10/07/2023 06:16

Đi đầu về phát triển kinh tế đêm trên thế giới có thể nhắc đến những mô hình phát triển rất thú vị và sáng tạo như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế đêm của các quốc gia đi trước có thể áp dụng cho Hà Nội để thực hiện cam kết làm sống động nền kinh tế đêm của thành phố.

kt-dem.jpg
Không khí náo nhiệt về đêm ở thủ đô London (Vương quốc Anh).

Thủ đô London (Vương quốc Anh)

Phát triển kinh tế ban đêm phải kể đến nước Anh. Quốc gia này có riêng một tổ chức theo dõi về ngành công nghiệp ban đêm với tên gọi Night Time Industrie Association (NTIA). Theo ghi nhận của NTIA, kinh tế ban đêm đã đóng góp khoảng 6% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) nước Anh, tương đương

66 tỷ bảng Anh/năm và tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm cho người lao động. Trong đó, thủ đô London được xem là điểm đến hàng đầu thế giới về cuộc sống ban đêm, chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723 nghìn lao động. Danh mục hoạt động thời gian ban đêm của thủ đô London gồm các hoạt động văn hóa và giải trí và các hoạt động hỗ trợ.

Khi nói đến kinh tế đêm, nhiều người sẽ liên tưởng đến các quán bar, câu lạc bộ, quán rượu và các chỗ vui chơi tương tự, nhưng kinh tế đêm ở London được phát triển vượt ra ngoài những hoạt động đó. London đã đưa di sản văn hóa phong phú của thành phố vào kinh tế đêm. Nhờ phương pháp tiếp cận dựa trên văn hóa, London đã được hồi sinh và tái tạo các đường phố, khu trung tâm. Nhìn chung, hoạt động kinh tế diễn ra vào buổi tối tại London đã hỗ trợ rất tốt thị trường việc làm, tạo ra một hệ sinh thái việc làm có tiềm năng phát triển hơn trong tổng thể các hoạt động kinh tế ban đêm tại thành phố này. Các hoạt động kinh tế ban đêm đem lại doanh thu cao tại các quốc gia chủ yếu hướng tới các lĩnh vực du lịch, văn hóa, cụ thể đó là dịch vụ ăn uống, quầy bar, mua sắm, nghệ thuật, sân khấu kịch, tham quan bảo tàng, nghỉ dưỡng khách sạn.

Báo cáo gần đây của London First và E&Y đã đưa ra ước tính, khu vực kinh tế ban đêm của London có thể đóng góp gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay.

Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc)

Trung Quốc được xem là quốc gia mới nhất của châu Á đang lên kế hoạch để “thắp sáng” kinh tế đêm. Đầu năm 2019, “kinh tế đêm” đã trở thành một chủ đề nóng tại phiên họp của các cơ quan lập pháp và tư vấn chính trị của quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế đêm nhằm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, kinh doanh diễn ra vào ban đêm. Cụ thể như các chính sách hỗ trợ tiền, giảm giá điện, nước... cho các nhà hàng hoạt động vào ban đêm đủ điều kiện.

Theo đó, 10 con phố bán hàng ăn đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi 24/7 tại Bắc Kinh sẽ là những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp thúc đẩy kinh doanh ban đêm. Những con phố hoạt động 12 tiếng về đêm sẽ nhận được trợ cấp hơn 700 nghìn USD dành cho việc phát triển kinh doanh, các hộ kinh doanh cá thể có thể nhận được hơn 70 nghìn USD.

Động thái này góp phần giảm gánh nặng chi phí cho các đơn vị kinh doanh hoạt động về đêm. Song song với đó, các dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện ngầm cũng được điều chỉnh tăng tuyến, kéo dài thời gian phục vụ để đáp ứng nhu cầu đi lại của các hành khách tới các khu phố đêm. Cụ thể, từ ngày 19-7-2019, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian chạy hai tuyến tàu điện ngầm số 1, 2 vào thứ sáu và thứ bảy, trong đó chuyến cuối cùng khởi hành sau 12h đêm. Ngoài những chính sách trên, một số chính sách khác mà Bắc Kinh thực hiện là: Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn và thâu đêm; xây dựng một số khu vực giải trí từ 19h hôm trước đến 6h hôm sau và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mua sắm nổi bật…

Bên cạnh Bắc Kinh, các thành phố khác của Trung Quốc như: Thượng Hải, Thiên Tân và Nam Kinh cũng đang triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế đêm thông qua các biện pháp trợ cấp tiền mặt cũng như thúc đẩy giao thông công cộng ban đêm. Tháng 5-2019, Thượng Hải đã ban hành các hướng dẫn để thúc đẩy kinh tế đêm như xây dựng một số khu vực giải trí; xây dựng quy hoạch bài bản, hiện đại; thiết kế các tour du lịch ban đêm cho Vườn thú Thượng Hải để du khách khám phá các sinh vật về đêm… Thành phố Thiên Tân đã lên kế hoạch xây dựng 6 khu thương mại đêm, gồm đường phố kiểu Italia, phố ẩm thực, quảng trường, công viên cho các hoạt động giải trí.

Thủ đô Amsterdam (Hà Lan)

Tại thủ đô Amsterdam (Hà Lan), từ năm 2014, chính quyền thành phố còn bầu ra “thị trưởng ban đêm” để đảm nhận việc điều hành kinh tế đêm của thành phố. Ông Mirik Milan từng quản lý nhiều quán bar, được chính quyền Amsterdam bổ nhiệm làm “thống đốc ban đêm” trong đó giao nhiệm vụ quản lý, duy trì cuộc sống về đêm và sau đó là làm kinh tế đêm của Amsterdam thịnh vượng hơn.

Ông Mirik Milan cho biết, một trong những trở ngại lớn nhất là thuyết phục các lãnh đạo thành phố rằng cuộc sống về đêm không chỉ đơn thuần là tiệc tùng. Và ban đêm luôn được đối xử khác với ban ngày. Khi có vấn đề xảy ra vào ban đêm, phản ứng đầu tiên của lãnh đạo thành phố và sở cảnh sát là dừng mọi hoạt động. Ngược lại với cách xử lý đó, phương pháp giải quyết các vấn đề tương tự vào ban ngày là tập hợp tất cả các bên liên quan lại với nhau và cố gắng kiểm soát tình hình, thay vì dừng hẳn hoạt động.

Vì vậy, Milan đã giới thiệu 10 địa điểm 24 giờ ở ngoại ô phía Tây của thành phố Amsterdam, nơi cách xa khu vực cơ quan, trụ sở của chính quyền Hà Lan và các tập đoàn. Ý tưởng này là để giảm bớt áp lực lên trung tâm rất đông đúc của thành phố và tạo ra một khu vực chuyên phục vụ cho các hoạt động ban đêm sầm uất. Khu vực này có một số địa điểm đa ngành đa lĩnh vực, bao gồm các phòng trưng bày nghệ thuật, phố quán ăn, cũng như các quán bar và câu lạc bộ...

Thủ đô Seoul (Hàn Quốc)

Trước thế kỷ XX, gần như không có các hoạt động kinh tế vào ban đêm ở Seoul vì một số lý do bao gồm sự thiếu vắng của hệ thống chiếu sáng vào ban đêm và lệnh giới nghiêm. Sự hạn chế của cuộc sống đô thị về đêm tiếp tục kéo dài đến cuối thế kỷ này.

Năm 1982, chính quyền Seoul đã chấm dứt lệnh giới nghiêm vào ban đêm, dẫn đến tăng trưởng rất đáng kể của nền kinh tế đêm Seoul. Các quán bar, câu lạc bộ, và các dịch vụ giải trí khác có thể hoạt động suốt đêm. Tác động chính của chính sách này là nhằm tạo ra một “xã hội 24 giờ”, trong đó nhiều hoạt động thương mại tiếp tục diễn ra với thời gian dài hơn, đi kèm là các loại hình kinh doanh mới chỉ xuất hiện vào ban đêm.

Không chỉ chính sách mà văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đêm. Hàn Quốc từ lâu đã có thời gian làm việc dài nhất trong số các quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD, hiện có 34 quốc gia) vượt qua cả quốc gia đứng thứ hai - Nhật Bản. Mặc dù văn hóa làm việc quá sức của Hàn Quốc hiện đang thay đổi nhờ luật một tuần làm việc tối đa 52 giờ, nhiều công ty vẫn yêu cầu công nhân của họ làm thêm ban đêm sau bữa tối. Hoặc công ty sẽ tổ chức các buổi ăn uống cho cơ quan để mọi người thêm gắn kết sau giờ làm. Văn hóa này đã làm cho người Hàn Quốc nhất là cư dân của các đô thị lớn như Seoul không thể có thời gian để đi chợ vào ban ngày. Dịch vụ giao thực phẩm đã xuất hiện với giờ hoạt động là từ 23h đến 6h sáng. Cụ thể là nếu khách hàng đặt hàng trước 23h, họ sẽ nhận được thực phẩm vào 6h sáng hôm sau. Mô hình này đang rất phát triển ở Hàn Quốc vì mọi thứ đều thuận lợi hơn cho người giao hàng vào ban đêm, và khách hàng thì nhận được thức ăn tươi mỗi sáng mà không mất thời gian đi chợ.

(Còn nữa)