Giám tuyển Dương Thu Hằng: Tin vào thị trường ảnh nghệ thuật Việt Nam
Thành lập năm 1997, Hanoi Studio Gallery là một trong những phòng triển lãm nghệ thuật tập trung vào việc trình bày và quảng bá các nghệ sĩ đương đại Việt Nam. Trong chuỗi sự kiện của Photo Hanoi’23, Hanoi Studio Gallery cũng là đối tác, đồng hành cùng các nhiếp ảnh gia trong việc tiếp cận công chúng, các nhà sưu tầm ảnh nghệ thuật.
Bà Dương Thu Hằng, Giám đốc và Giám tuyển Hanoi Studio Gallery đã có cuộc trao đổi cởi mở với Hànộimới Cuối tuần xung quanh việc phát triển thị trường ảnh nghệ thuật tại Việt Nam.
- Được biết chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm điện ảnh, do vậy, nghệ thuật nhiếp ảnh gắn bó với chị một cách tự nhiên. Chị có thể chia sẻ về sự vận động của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam từ trước tới nay thông qua cảm nhận và trải nghiệm cá nhân?
- Tôi sinh ra trong một gia đình điện ảnh, chịu ảnh hưởng từ công việc sáng tác, giảng dạy của cha tôi - nhà quay phim Dương Đình Bá. Ông thuộc thế hệ những nhà quay phim đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam và có một số lượng lớn tác phẩm được sáng tác trong suốt ba thập niên, từ những năm 60 đến những năm 90 của thế kỷ XX.
Tôi cũng có trải nghiệm cùng các anh chị và các bạn ở khoa Quay phim trong những năm học tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên bang Nga (VGIK). Bài học nằm lòng của các nhà quay phim chính là nghệ thuật nhiếp ảnh. Những bài học, sáng tác đầu tiên của các nhà quay phim tương lai là những khuôn hình, những bức ảnh được tráng, rửa trong buồng tối.
Theo tôi, nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam không tách khỏi dòng chảy của nhiếp ảnh và các sự kiện lịch sử, chiến tranh. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh hoạt động với tư cách phóng viên ảnh trên khắp các mặt trận, ghi lại những hình ảnh quý giá có giá trị lịch sử to lớn và đầy tính nghệ thuật.
Nhiếp ảnh nghệ thuật đã hoạt động sôi nổi trong hơn hai thập niên gần đây, là một mảng của nghệ thuật đương đại và tiếp cận công chúng yêu nghệ thuật bằng sự tươi mới trong hình thức thể hiện. Các nhiếp ảnh gia đã bắt đầu bán được tác phẩm cho công chúng và giới sưu tầm trong nước, mở ra hy vọng về một thị trường lớn hơn trong tương lai cho nghệ thuật nhiếp ảnh.
- Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chị đã mời nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Canada Greg Girard sang Hà Nội chụp và thực hiện cuốn sách ảnh “Tiếng gọi Hà Nội 1000 năm”. Lần hợp tác này mang đến cho chị những trải nghiệm như thế nào về ảnh nghệ thuật?
- Năm 2009, tôi và một số người bạn được Đại sứ Canada mời đến ăn trưa, bà cho tôi xem ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Greg Girard chụp ảnh thành phố Thượng Hải. Chúng tôi lập tức nảy ra ý tưởng bỏ tiền túi mời Greg Girard sang Hà Nội chụp ảnh. Cuốn sách ảnh “Tiếng gọi Hà Nội 1000 năm” đã ra đời, là món quà ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là một cái duyên, một sự ngẫu hứng để Hà Nội Studio Gallery “chạm” vào nhiếp ảnh. Sau này tôi tự hỏi rằng, tại sao chúng ta không làm điều đó với các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam? Nếu chúng ta làm tốt thì chắc chắn sẽ có những người sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư để có được một sản phẩm có ích cho cộng đồng, có ích cho các tác giả và việc quảng bá nghệ thuật.
- Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, nếu nói về số lượng tác giả và tác phẩm thì Việt Nam là một "cường quốc về nhiếp ảnh". Trong khi đó, thị trường ảnh Việt Nam còn rất sơ khai, chưa được khai thác thỏa đáng. Theo chị, nguyên nhân chính là gì?
- Khi tham dự các hội chợ nghệ thuật thế giới, chúng tôi thấy tác phẩm ảnh được coi trọng tương tự như tranh hoặc các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt. Các nghệ sĩ cũng rất chịu chi, họ làm những tác phẩm lớn để đưa đến các hội chợ quốc tế. Chúng ta bị hạn chế về tài chính và điều đó đã hạn chế cơ hội đưa chúng ta đến với công chúng.
Chúng ta chơi ảnh như thế nào cũng là một câu chuyện. Năm 1997, chúng tôi thành lập Hà Nội Studio Gallery, nhưng cho đến tận những năm 2010, 2012 khách hàng vẫn là người nước ngoài. 90% lượng tranh mà chúng tôi bán là cho người nước ngoài, khách trong nước rất ít. Phải mất rất nhiều thời gian thì người Việt mới rõ về giá trị của việc mua tranh, vì vậy tôi chắc rằng phải mất một thời gian tương đối dài nữa để có nhiều khách hàng mua tác phẩm ảnh, chơi ảnh. Chúng ta rất cần những sự kiện như Biennale Photo Hanoi. Đây là cơ hội rất lớn để quảng bá nhiếp ảnh Việt Nam. Thực sự, để giữ cho ngọn lửa đó được dài hơi thì cần rất nhiều nỗ lực, cần sự tư vấn nhiều hơn nữa của các chuyên gia nghệ thuật đối với khách hàng.
- Khác với các ngành nghệ thuật khác, người Việt còn đang dè dặt với nhiếp ảnh, họ ít chơi ảnh bởi nhiều lý do. Đặc biệt, khả năng nhân bản của ảnh khiến nó ít khi được định giá cao, và ngay cả khi tác giả cam kết đó là “độc bản” thì người ta vẫn cứ nghi ngại?
- Ngay ở lĩnh vực hội họa, điêu khắc, trong suốt nhiều thập niên tiếp xúc với thị trường nghệ thuật trong khu vực và thế giới, chúng ta không có sự kiểm soát nào đối với việc tác giả tự nhân bản, tự chép lại tác phẩm của mình, một tác phẩm có thể có tới 20 phiên bản. Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, tình hình khác hẳn bởi chính công chúng người Việt đã tham gia kiểm soát về chất lượng, sự thật - giả, tác giả. Câu chuyện giờ đây quay trở lại với chính các bạn - người sáng tác có đủ tài năng để được nhận diện rõ ràng, có đủ trách nhiệm với tác phẩm của mình hay không.
Chẳng hạn, khi đã đánh dấu 1 - 2 - 3 thì chúng ta chỉ có 3 phiên bản đó thôi, và mình phải chịu trách nhiệm về điều đó. Tôi đã làm việc với nhiều họa sĩ làm tranh khắc gỗ. Đó là loại hình có thể có nhiều phiên bản, nhưng với 100 phiên bản thì giá nó phải khác so với loại chỉ có 10 phiên bản, 5 phiên bản. Khi bạn đăng ký rõ ràng như vậy thì công chúng dễ dàng kiểm soát, nếu bạn bán phiên bản thứ 11 thì 10 người sở hữu trước sẽ kiện bạn thôi.
- Chúng ta có một cộng đồng gồm đông đảo nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nghệ thuật này cũng đang hấp dẫn các bạn trẻ. Tuy nhiên, việc chưa có thị trường ảnh đúng nghĩa khiến họ không có đủ tiền để chú tâm vào sáng tác. Là một giám tuyển, chị muốn nhắn nhủ điều gì đến các nhiếp ảnh gia trẻ?
- Số họa sĩ có tranh bán chạy hiện cũng chỉ gồm 10 - 20 tác giả. Rất nhiều người tài năng nhưng ở thời kỳ đầu họ còn thiếu cả màu, toan để vẽ. Do vậy, trên con đường nghệ thuật, nhiều khi họ cần có bạn đồng hành. Đồng hành chỉ để nghe họ nói, nghe họ kể, nhất là khi họ mông lung về chính con đường mà mình đang đi. Đó là câu chuyện mà nhiều năm qua chúng tôi gặp phải. Người làm nghệ thuật cần sự thấu hiểu, cần có ai đó sẵn sàng đi với họ, giúp đỡ họ và chia sẻ với họ. Khởi đầu của họ luôn gian nan.
Tuy nhiên, niềm đam mê, sự khẳng định cá nhân thì không ai thay bạn được, khi chọn con đường này là chúng ta đã đứng trước câu hỏi phải trả lời: Chúng ta để lại gì trên con đường ấy?
- Nói như vậy, có vẻ như chị rất có niềm tin với thị trường nhiếp ảnh Việt Nam?
- Cuộc chơi nghệ thuật không dành cho số đông. Chúng ta đều thấy đó là con đường gian nan, nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, chất lượng cuộc sống đi lên thì số người chơi cũng tăng lên. Tôi tin là như vậy. Và, tôi cũng tin rằng, không lâu nữa các doanh nghiệp lớn của Việt Nam sẽ đầu tư nhiều hơn cho nghệ thuật. Đó là xu hướng.
- Trân trọng cảm ơn chị!