Xây dựng trung tâm giao thương hàng hóa Hà Nội - Viêng Chăn
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kết nối giao thương cho các sản phẩm hàng hóa Việt sang thị trường Lào và ngược lại, hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề tìm kiếm vùng nguyên liệu mới phục vụ cho sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng trung tâm giao thương hàng hóa Hà Nội - Viêng Chăn… là những hoạt động đang được ngành Công Thương hai Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn triển khai thực hiện.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan để làm rõ hơn về vấn đề này.
Chia sẻ lợi ích, cùng nhau phát triển
- Tiếp tục triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương Thủ đô Hà Nội và Sở Công Thương Thủ đô Viêng Chăn, mới đây, Đoàn công tác Sở Công Thương Viêng Chăn đã thăm và làm việc tại Hà Nội. Bà có thể cho biết những kết quả nổi bật của hoạt động này?
- Hợp tác trong lĩnh vực công thương giữa Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) và Thủ đô Viêng Chăn (Lào) không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn là truyền thống hợp tác hữu nghị trên tinh thần chia sẻ lợi ích, cùng nhau phát triển.
Trong chuyến thăm lần này, đoàn đã làm việc, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực công thương tại thành phố Hà Nội và khảo sát thực tế tại một số trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Khi đến Việt Nam, các bạn Lào cũng muốn tìm hiểu những mô hình phân phối của Việt Nam và của các nước. Khảo sát tại trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông là cơ hội giúp các bạn Lào thấy được hàng Việt Nam đã hiện diện và đứng vững trong thị trường Việt, đặc biệt là tại các hệ thống siêu thị lớn như AEON Mall, Lotte, Big C… Qua đó, khẳng định được thương hiệu hàng Việt.
- Vậy cơ hội của hàng Việt tại thị trường Lào được đánh giá như thế nào, thưa bà?
- Hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Lào tương đối dễ bởi chất lượng hàng Việt đã được các bạn đánh giá và đón nhận rất tốt, đặc biệt là các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, gốm, sứ, mây tre… Dù vậy, đến nay hàng Việt hiện diện chưa nhiều tại thị trường Lào. Do đó, cần xúc tiến triển khai mạnh để hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn tại thị trường Lào và ngược lại.
Doanh nghiệp cần nắm bắt nhu cầu của thị trường bạn đang cần những sản phẩm gì để từ đó có sự điều chỉnh thiết kế mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Cơ hội mới cho các làng nghề, doanh nghiệp
- Sở Công Thương hai Thủ đô Viêng Chăn - Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác, bà có thể cho biết hoạt động này đã mở ra những cơ hội gì cho các doanh nghiệp, làng nghề của Hà Nội?
- Nhằm triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Viêng Chăn, nhân dịp chuyến thăm chính thức Thủ đô Viêng Chăn - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023.
Thông qua chương trình, đoàn công tác đã có 13 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Lào. Đồng thời, đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các làng nghề, doanh nghiệp của Hà Nội, Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang về phát triển vùng nguyên liệu; đưa hàng của Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang vào hệ thống phân phối của Hà Nội và ngược lại.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang kêu gọi xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp Việt Nam và Lào đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm thương mại của Việt Nam tại Lào và của Lào tại Việt Nam, kết nối để đưa sản phẩm hàng hóa của hai nước vào hai Thủ đô, phục vụ nhu cầu của người dân.
- Trong bối cảnh hầu hết các thị trường xuất, nhập khẩu lớn và truyền thống của Hà Nội giảm sút thì việc hướng tới các nước có thị trường nhỏ tương đồng là một trong những giải pháp hiệu quả đang được thành phố Hà Nội triển khai để tăng kim ngạch xuất khẩu?
- Hợp tác thương mại giữa thành phố Hà Nội và Lào tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào ước đạt 200 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 20% so với năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022 từ Lào ước đạt 211 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 12,6% so với năm 2021.
Những năm gần đây, do tác động của xung đột chính trị Nga - Ukraine, lạm phát... thị trường một số nước ở khu vực Liên minh châu Âu và một số nước lớn đang bị thu hẹp. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang tìm thị trường mới cho hàng xuất khẩu thông qua những nước nhỏ.
Chúng tôi đang tăng cường công tác xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương và thường xuyên xúc tiến sang thị trường Lào. Lào là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại đặc biệt là làng nghề.
- Thời gian tới, hai bên sẽ triển khai những giải pháp gì để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công thương?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên thực hiện nội dung của 13 biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết tại Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ, sản phẩm Hà Nội - Viêng Chăn 2023.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Nội tìm kiếm nguồn nguyên liệu về song, mây để phục vụ sản xuất mây tre đan; các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm vùng trồng gừng, ớt, tiêu và phong gió... hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu liên kết, hỗ trợ kỹ thuật khai thác, chế biến, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp của Lào để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu.
- Trân trọng cảm ơn bà!