Văn hóa

Họa sĩ Lê Phương (Leo): Người chơi với hình và nét

Thúy Đinh thực hiện 08/07/2023 - 19:54

Họa sĩ Lê Phương (bút danh Leo) là một cái tên quen thuộc trong làng biếm họa nước nhà. Hơn 20 năm gắn bó với nhiều tờ báo trong vai trò họa sĩ vẽ minh họa, biếm họa, độc giả biết đến anh qua những tác phẩm vừa dí dỏm, bất ngờ, vừa ý nhị, sâu cay, thoáng một nụ cười nhẹ của người cầm cọ.

leo.jpg

- Thưa họa sĩ Lê Phương, nghe nói anh đến với biếm họa một cách tình cờ?

- Tôi đến với minh họa và biếm họa khi đang học năm thứ hai Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Lúc ấy tôi chỉ có tình yêu vẽ, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, đặc biệt là yêu thích truyện tranh... Tôi bắt đầu tập tành vẽ minh họa sách, vẽ biếm họa sau khi đã xem khá nhiều tác phẩm truyện tranh của châu Âu và học hỏi cách vẽ của họ trong những tác phẩm đầu tiên. Tuy vậy, biếm họa báo chí thực ra không phải là hướng đi ban đầu của tôi. Nhân duyên đưa tôi trở thành một họa sĩ biếm họa với bút danh Leo trên báo là do bạn bè tôi - những người đang công tác trong lĩnh vực báo chí. Họ thường nhờ tôi vẽ tranh minh họa, sau đó là biếm họa.

- Anh đã tìm cho mình con đường đi như thế nào với công việc vẽ minh họa, biếm họa?

- Biếm họa đòi hỏi phải có sự chắt lọc thông tin, có tư duy phản biện, đánh giá sự kiện và đưa ra góc nhìn riêng, tức là thể hiện quan điểm ấy “thành hình” và phải có ý tưởng hài hước. Biếm họa tuy hài hước nhưng vẫn giữ được thần thái nhân vật, mang đến sức hút về mặt thị giác mà không bức ảnh nào có thể làm được. Tuy là biếm họa, phê phán nhưng mỗi bức tranh vẫn phải mang đến một năng lượng tích cực cho bạn đọc. Thực ra, để tạo sự khác biệt trong phong cách luôn là câu chuyện đầy thách thức với các ngành sáng tạo nói chung. Kinh nghiệm của riêng tôi là xem rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, đọc nhiều sách, xem nhiều phim. Như một sự tự nhiên, những gì mình đọc được, học được qua thời gian sẽ ngấm vào mình và cho mình sự chủ động, thậm chí là năng lượng tích cực để sáng tác.

- Biếm họa không chỉ là vui vẻ, hấp dẫn cùng sức hút về mặt thị giác, mà còn có tác động xã hội. Ngược lại, điều anh nhận về từ phía độc giả là gì?

- Thực sự sau khi báo được xuất bản, tôi không quá quan tâm đến số phận hay dư luận nói gì về tác phẩm của mình. Có chăng là mức độ tái sử dụng các tác phẩm của tôi trên báo chí là rất nhiều, chúng được lan tỏa khắp các diễn đàn. Thường thì tác phẩm của tôi ít gây ra tranh cãi bởi nó luôn rõ ràng, vui vẻ, nhìn sự kiện, con người một cách khách quan, không báng bổ hay đề cập nội dung nào đó quá tiêu cực. Tuy là biếm họa, phê phán nhưng tranh của của tôi luôn mang đến năng lượng tích cực cho bạn đọc.

- Vẽ minh họa, biếm họa luôn đòi hỏi khả năng phản ứng nhanh với các vấn đề thời sự. Điều này có khiến anh bị áp lực?

- Khi đã là họa sĩ vẽ minh họa thì phải luôn đặt mình trong tình thế sẵn sàng, nhận đặt hàng của báo chí bất cứ lúc nào, sẵn sàng lao động, sáng tạo ngay tại chỗ. Sẽ có một số mô thức, thủ thuật sáng tạo đã thành bản năng, khiến cho mình vẽ rất nhanh. Đôi khi, sự thúc ép về mặt thời gian giúp nảy sinh ý tưởng khá lạ. Có những thời điểm tôi vẽ được 1 - 2 tranh mỗi ngày cho các báo. Bản năng và thói quen giúp tôi hoàn thiện tác phẩm nhanh hơn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, để sáng tác trong một thời gian ngắn thì chúng ta không thể đòi hỏi chất lượng quá cao, hình ảnh cũng không thể trau chuốt mà quan trọng nhất là ý tưởng.

- Có lúc nào anh cảm thấy nhạt với chính mình?

- Sự nhàm chán chắc chắn là có. Trải qua vài nghìn bức tranh biếm họa, đôi khi họa sĩ cũng mỏi mệt với sức ép của tiến độ phát hành, xuất bản báo chí. Khi ấy tôi phải bớt dần các đầu việc, chọn lọc nên làm cái gì và không nên làm cái gì, như vậy thì mới có thời gian đầu tư cho tác phẩm. Tôi chủ động xin thôi cộng tác với các tờ báo ngày, chỉ vẽ cho các tờ bán nguyệt san. Như vậy, mình được thoải mái hơn về mặt sáng tạo.

Tôi luôn biết ơn quãng thời gian hơn 20 năm gắn bó với việc minh họa báo chí, một guồng sáng tạo rất riêng đối với họa sĩ mà ở đó tôi được thỏa sức thể hiện ý tưởng, khả năng tư duy, tạo hình mà trước đây mình chưa từng nghĩ là có thể làm được. Họa sĩ nhiều khi cũng bị “ép” chứ không chỉ chờ những điều lãng mạn, bay bổng để sáng tạo. Đó cũng là sự chuyên nghiệp cần thiết phải có trong mọi ngành nghề.

Tôi vẫn nhớ một lần báo Tuổi trẻ cười đã đặt hàng một tác phẩm biếm họa kỷ niệm một giải đấu thành công của bóng đá Việt Nam. Thời gian chỉ có 1 ngày, tôi phải có mấy bức chân dung biếm họa các cầu thủ ngồi trên chiếc xe lam do huấn luyện viên Park Hang-seo chở. Ban biên tập yêu cầu tôi không chỉ vẽ cho đúng chân dung mỗi người mà còn phải biến tấu sao cho hài hước, vui vẻ. Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ, tôi đã thành công và tác phẩm được lan tỏa trên các diễn đàn. Với tôi, sự hứng khởi, mộng mơ chỉ là những chất xúc tác rất nhỏ, còn lại vẫn là khả năng ứng biến, phản ứng với thông tin một cách tỉnh táo.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Lê Phương!