Hồ sơ

Mỹ phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng

Thương Nguyệt 08/07/2023 09:35

Việc Mỹ ấn định thời điểm phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng thể hiện tầm quan trọng của nỗ lực kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm này trên thế giới và là thông điệp gửi đến những quốc gia chưa tham gia Công ước Vũ khí hóa học.

Ngày 30-9 là hạn chót để Mỹ phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng theo Công ước Vũ khí hóa học (CWC), hiệp ước quốc tế có hiệu lực từ năm 1997 với sự tham gia của 193 quốc gia trên thế giới.

CWC hiện do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), có trụ sở tại thành phố The Hague (Hà Lan), quản lý, nghiêm cấm việc sử dụng, phát triển, sản xuất, tàng trữ, chuyển giao vũ khí hóa học và tiền chất của chúng trên quy mô lớn, ngoại trừ một số mục đích như nghiên cứu, y tế, dược phẩm… Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện các lệnh cấm và phá hủy tất cả vũ khí hóa học hiện có. Mọi hoạt động tiêu hủy phải diễn ra dưới sự xác minh của OPCW.

Colorado và Kentucky là hai địa điểm cuối cùng trong số các địa điểm, bao gồm Utah và Đảo san hô Johnston, nơi lưu trữ vũ khí hóa học của Mỹ và sau đó được phá hủy. Những địa điểm khác bao gồm các kho lưu trữ ở Alabama, Arkansas và Oregon.

Kể từ những năm 1940, cơ sở lưu trữ Blue Grass của quân đội Mỹ ở bang Kentucky đã cất giữ khí mù tạt, chất độc thần kinh VX và Sarin. Phần lớn các chất độc hại này có trong rocket và nhiều loại đạn khác.

Năm 2015, Kentucky đã hoàn tất xây dựng một nhà máy xử lý vũ khí hóa học và bắt đầu tiến trình phá hủy vào năm 2019 thông qua một quy trình trung hòa có tác dụng pha loãng các hóa chất nguy hiểm, trước khi tiến hành tiêu hủy một cách an toàn.

vukhihoahoc.png
Vũ khí hóa học tại Kho hóa chất quân đội Pueblo ở bang Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters

Các công nhân tại cơ sở lưu trữ Blue Grass chuẩn bị phá hủy những quả rocket chứa chất độc thần kinh Sarin, loại vũ khí hóa học cuối cùng được xác nhận của quốc gia này, tiến tới mục tiêu hoàn thành chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ nhằm loại bỏ kho dự trữ hơn 30.000 tấn. Những quả rocket bị phá hủy nằm trong số 51.000 quả rocket M55 chứa chất độc Sarin đã được cất giữ từ những năm 1940.

Tại Kho hóa chất quân đội Pueblo ở miền Nam bang Colorado, tiến trình phá hủy vũ khí hóa học đã bắt đầu từ năm 2016. Tại đây, các công nhân sử dụng máy móc hạng nặng để vận chuyển vũ khí hóa học lên hệ thống băng chuyền, trước khi đưa vào các phòng an toàn, nơi robot điều khiển từ xa thực hiện công đoạn nguy hiểm nhất là loại bỏ khí mù tạt gây phồng rộp da, viêm mắt, mũi, họng và phổi. Các loại đạn bị rò rỉ được chuyển đến buồng kích nổ bọc thép không gỉ để phá hủy ở nhiệt độ khoảng 593 độ C. Ngày 22-6 đánh dấu thời điểm hoàn thành sứ mệnh vô hiệu hóa toàn bộ kho chứa khoảng 2.600 tấn chất chứa khí mù tạt.

Việc phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng được xem là động thái làm giảm bớt mối lo ngại thường trực của các nhà lãnh đạo dân sự ở Colorado và Kentucky.

Vào những năm 1980, do lo ngại những nguy cơ từ các chất hóa học độc hại, cộng đồng xung quanh kho Blue Grass ở bang Kentucky đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch của quân đội về việc tiêu hủy 520 tấn vũ khí hóa học, dẫn đến một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ về biện pháp xử lý. Sau khi kế hoạch ban đầu bị hủy bỏ, người dân khu vực với sự hỗ trợ từ các nhà lập pháp đã buộc quân đội Mỹ phải đưa ra những biện pháp thay thế.

Theo ABC News, vũ khí hóa học lần đầu tiên được sử dụng trong Thế chiến thứ nhất, ước tính đã gây ra cái chết của ít nhất 100.000 người. Mặc dù việc sử dụng vũ khí hóa học sau đó đã bị cấm bởi Công ước Geneva nhưng các quốc gia vẫn tiếp tục dự trữ loại vũ khí nguy hiểm này cho đến khi Công ước kêu gọi tiêu hủy chúng.

Các chuyên gia quân sự nhận định, việc Mỹ phá hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng thể hiện tầm quan trọng của những nỗ lực kiểm soát vũ khí hóa học trên toàn thế giới và là thông điệp gửi đến những quốc gia chưa tham gia CWC.

Việc loại bỏ kho dự trữ của Mỹ còn là một bước tiến quan trọng đối với CWC. Hiện tại, chỉ có ba quốc gia là Ai Cập, Triều Tiên và Nam Sudan chưa ký hiệp ước. Israel đã ký hiệp ước vào ngày 13-1-1993 nhưng vẫn chưa quyết định phê chuẩn.

Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí hóa học hy vọng động thái của Mỹ có thể thúc đẩy các quốc gia còn lại tham gia và đây có thể trở thành hình mẫu tiến tới loại bỏ các loại vũ khí nguy hiểm khác.