500 ngày xung đột Nga – Ukraine: Hơn 9.000 dân thường thiệt mạng
Ngày 8-7, Phái bộ Giám sát nhân quyền của Liên hợp quốc tại Ukraine (HRMMU) cho biết, hơn 9.000 dân thường, trong đó có 500 trẻ em, đã thiệt mạng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2-2022.
Con số thương vong trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với thống kê kể trên.
Trong một phát biểu đánh dấu ngày thứ 500 cuộc xung đột diễn ra, Phó Trưởng HRMMU Noel Calhoun cho biết, dù từ đầu năm tới nay, con số thương vong ở Ukraine trung bình thấp hơn so với năm 2022, song đã có xu hướng tăng trở lại trong tháng 5 và 6.
Gần đây nhất, tại Lviv, thành phố miền Tây giáp Ba Lan, cách xa vùng giao tranh chính, 10 người đã thiệt mạng và 37 người khác bị thương trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào sáng sớm ngày 6-7. Liên hợp quốc cho biết, đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào khu vực được bảo vệ bởi Công ước Di sản thế giới, làm hư hại một tòa nhà lịch sử. Trước đó ít ngày, 13 thường dân đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Kramatorsk, miền Đông Ukraine.
HRMMU cũng lưu ý rằng, số dân thường thiệt mạng trong 500 ngày qua cao gấp 3 lần so với toàn bộ 8 năm xung đột trước đó ở miền Đông Ukraine, khi Donesk và Lugansk tách ra thành nhà nước độc lập tự xưng. Các cuộc tấn công đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng dân sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung cấp nước và điện cho dân thường.
Đến thời điểm này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga và Ukraine sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Cả hai phía đều tìm cách giành được lợi thế trên chiến trường. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang thực hiện chuyến thăm châu Âu để thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và kêu gọi các quốc gia tiếp tục viện trợ vũ khí.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không nhìn thấy triển vọng đàm phán với Ukraine. "Các biện pháp chính trị và ngoại giao, thật không may, không thể tiếp cận được ở thời điểm hiện tại, trước tiên có lẽ là do chính quyền Kiev từ chối cơ hội này và cũng chủ yếu do Washington không ủng hộ quá trình này", ông Peskov nhấn mạnh.
Nga tuyên bố chiến dịch quân sự chỉ chấm dứt khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga gồm Crimea, Kherson, Zaporizhia, Lugansk và Donetsk.
Trong khi đó, Kiev tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Mátxcơva rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới được công nhận năm 1991.
Xung đột tiếp tục đồng nghĩa với con số thương vong sẽ tăng lên, cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.