Văn hóa

Tôn vinh giá trị đẹp của lễ hội

Nguyễn Thanh 08/07/2023 - 06:59

Một loạt lễ hội truyền thống được khôi phục; các hiện tượng biến tướng, phản văn hóa cơ bản được đẩy lùi; nền nếp ứng xử văn minh trong lễ hội được bồi đắp và lan tỏa… là những kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về công tác quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ (Nghị định 110/2018/NĐ-CP). Nhìn lại hiệu quả từ công tác này là việc làm cần thiết, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng

lehoi.jpg
Lễ hội chùa Láng 2023 (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) phục dựng nhiều nghi thức cổ truyền sau 70 năm gián đoạn. Ảnh: Nam Nguyễn

Bức tranh nhiều điểm sáng

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có gần 8 nghìn lễ hội, trong đó chiếm tới 80% là lễ hội dân gian, tập trung nhiều ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ... Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lễ hội; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tháng 8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương cho biết, sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng bài bản, linh hoạt, đúng mục đích, nội dung, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của cộng đồng, dân tộc. Một loạt lễ hội để xảy ra bạo lực, phản cảm hay còn lưu giữ những tập tục không phù hợp với nếp sống văn minh đã được thay đổi phương thức tổ chức cho phù hợp, như hội phết Hiền Quan, Phú Thọ; hội làng Ném Thượng, Bắc Ninh; hội đền Trần, Nam Định… Nhiều địa phương đã tập trung khôi phục nghi thức dân gian lâu đời của lễ hội. Việc xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội cũng được chú trọng, mang về nhiều kết quả tích cực.

Điển hình có thể kể đến Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến, với số lễ hội hiện dẫn đầu cả nước là 1.206 địa chỉ. Ngay sau khi Nghị định 110/ 2018/NĐ-CP được ban hành, ngành Văn hóa Thủ đô đã tích cực tham mưu với thành phố các giải pháp triển khai, thực hiện, như: Tổ chức quán triệt nội dung Nghị định tới các cấp chính quyền và nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, xác định nâng cao ý thức người tham gia lễ hội là một trong những giải pháp để giữ bản sắc lễ hội truyền thống, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tăng cường giới thiệu về nguồn gốc, mục đích tổ chức lễ hội; duy trì việc niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các điểm lễ hội để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng.

Sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả, công tác quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, cần tăng cường biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Đó là hiện tượng lợi dụng nhu cầu của người dân trong cúng lễ, dâng sao giải hạn để trục lợi; tình trạng đánh bạc, cá cược ăn tiền núp bóng trò chơi truyền thống vẫn còn; chưa hết hành vi cài đặt tiền công đức tùy tiện, phản cảm… Việc lạm dụng đồ mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường vẫn dễ gặp. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Nguyễn Tiến Dũng chỉ ra: “Còn không ít nơi nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng nên chỉ tập trung khai thác các giá trị về kinh tế, thương mại hóa các hoạt động dịch vụ, làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội”.

Còn theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai, một số lễ hội chưa ban hành nội quy, quy định cụ thể về việc thắp hương, đốt tiền mã, cũng như trang phục khi tham gia các nghi lễ; chưa quy hoạch, sắp xếp hợp lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ, khiến cảnh quan di tích nhếch nhác, kém văn minh. Trước tình hình này, nhiều địa phương cũng đã đề xuất các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, vận động, kết hợp kiểm tra, giám sát trước, trong và sau lễ hội; mở các lớp tập huấn về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, xây dựng chương trình, kịch bản lễ hội…

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp để triển khai, thực hiện Nghị định 110/2018/NĐ-CP hiệu quả hơn, tập trung vào các nội dung: Tham mưu, rà soát kế hoạch tổ chức lễ hội, điều chỉnh tần suất, quy mô cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tăng cường kiểm tra, theo dõi trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm; tổ chức các giải pháp về thực hiện nếp sống văn minh tại các hoạt động lễ hội; tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ quản lý và tổ chức lễ hội tại các địa phương…