Bác sĩ tại nhà: Triệu chứng của bệnh uốn ván
Hỏi: Con tôi tập xe đạp bị ngã, bị trầy xước và rớm máu ở chân và tay. Vết thương tuy nhỏ nhưng tôi vẫn lo con có thể bị uốn ván nếu vết thương nhiễm trùng. Xin hỏi bác sĩ, triệu chứng của bệnh uốn ván và cách phòng tránh như thế nào? Nguyễn Thị Thu Huyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội)
Đáp: Vết thương hở dù chỉ là vết trầy xước nhỏ nhưng nếu bị nhiễm trùng thì tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh uốn ván. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do uốn ván tương đối cao. Do đó, nếu thấy vết thương hở bị nhiễm trùng chúng ta nên đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện để thăm khám và tiêm uốn ván theo chỉ định của bác sĩ.
Uốn ván là bệnh cấp tính rất nguy hiểm, người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm. Nếu nắm được triệu chứng bệnh thì chúng ta có thể áp dụng phác đồ chữa trị thích hợp, ngăn ngừa biến chứng, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Thông thường sau khi trực khuẩn tấn công vào cơ thể, chúng sẽ ủ bệnh 3 - 10 ngày, thậm chí có trường hợp phát bệnh sau vài tuần. Điều đáng nói là thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh diễn biến càng nhanh, tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa nghiêm trọng.
Trực khuẩn gây bệnh uốn ván là nguyên nhân khiến hệ thần kinh trung ương bị tổn thương, hoạt động kém hiệu quả. Một số triệu chứng uốn ván thường gặp là: Cơ mặt, cơ gáy, lưng và bụng trở nên co cứng, gây cảm giác đau, khó chịu. Ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường kể trên, chúng ta nên chủ động tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Khi trực khuẩn phát triển và lan tỏa khắp cơ thể, các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Cụ thể, bệnh nhân thường bị cong người, gập người hoặc toàn thân thẳng đứng. Một số trường hợp bị co giật toàn thân sau khi tiếp xúc với ánh sáng hoặc tiếng ồn lớn, và đây là triệu chứng không thể bỏ qua. Cha mẹ nhớ theo dõi kỹ dấu hiệu bất thường của con để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngày nay, vắc xin phòng uốn ván đã được sử dụng rộng rãi, chúng có tác dụng phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.
BSCKI Dương Ngọc Vân
Bệnh viện Đa khoa Medlatec