Ứng dụng công nghệ để lan tỏa hơn nữa giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Ngày 7-7, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo khoa học Chương trình giáo dục di sản ứng dụng khoa học - công nghệ tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Di sản vô giá
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là loại hình bảo tàng - lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân, được hình thành ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2-9-1969). Đây là di sản văn hóa vô giá của dân tộc, gắn liền cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác, chứa đựng những tài liệu, hiện vật phong phú, phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống đời thường của Người trong 15 năm 1954-1969.
Trải qua gần 55 năm hoạt động, khu di tích đã và đang được bảo tồn, phát huy giá trị một cách hiệu quả, trở thành trường học khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ cho mọi thế hệ người Việt. Từ năm 2003, thực hiện Quyết định 35/2003/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành môn học chính thức trong tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” của giáo viên, học sinh và sinh viên tới tham quan, học tập, nghiên cứu.
Theo bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích thông qua áp dụng các công nghệ hiện đại là một đòi hỏi của thực tiễn, cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong quản lý hệ thống bảo tàng. Trên thực tế, học sinh, sinh viên luôn là nhóm đối tượng lớn và có đời sống văn hóa, tinh thần trên không gian mạng phong phú, đa chiều, lại đặc biệt nhạy bén với công nghệ hiện đại và các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.
“Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục di sản, Khu di tích đã và đang từng bước ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như: Ứng dụng công nghệ trong chuyên đề nói chuyện tại các trường đại học và cao đẳng trên cả nước; nâng cấp hệ thống website; xây dựng các tour tham quan ảo…, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, quảng bá khu di tích cũng như giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế”, bà Lê Thị Phượng nói.
Chiến lược mới về giáo dục di sản
Hội thảo do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử của khu di tích, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản của thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, di sản, cán bộ quản lý… đã trình bày nhiều tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và khu di tích.
Trong đó, các đại biểu thống nhất, ứng dụng công nghệ trong bảo tàng và di tích chính là sử dụng phương tiện để thay đổi trải nghiệm văn hóa và làm cho di sản hấp dẫn hơn.
Để tăng cường giáo dục di sản thông qua thế mạnh của công nghệ, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cho rằng: Cần có một chiến lược mới về giáo dục di sản, trong đó tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh bằng phương pháp mới, hiện đại, phong phú hơn nữa.
Đó là giáo dục trải nghiệm dựa trên di sản, di tích, trong đó ứng dụng công nghệ là một biện pháp hiệu quả...
"Một trong những mục tiêu quan trọng, ưu tiên là xây dựng các chương trình giáo dục trải nghiệm di sản theo các chủ đề. Có thể kế thừa, tham khảo phương pháp của các bảo tàng, di tích trong nước và quốc tế, cũng như sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp bộ “Chương trình giáo dục di sản ứng dụng khoa học - công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”", bà Lê Thị Minh Lý khẳng định.