Nông nghiệp

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt gần 4 tỷ USD

Ngọc Quỳnh 06/07/2023 - 16:20

6 tháng đầu năm nay, khối lượng gạo Việt Nam xuất khẩu ước đạt 4,27 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Ngày 6-7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn về xuất khẩu gạo. Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho biết, giá lúa trong nước giảm vào quý I-2023, sau đó tăng dần và ổn định trong 2 tháng cuối của quý II.

Về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,27 triệu tấn với giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Philippines là thị trường lớn nhất với 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị phần chiếm 40,3% tổng khối lượng gạo xuất khẩu.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai với 632.469 tấn (tăng 62,8%), trị giá 364,17 triệu USD (tăng 79,2%), thị phần chiếm 19%. Indonesia bất ngờ vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo trong các tháng đầu năm 2023 với 369.032 tấn, tăng 16 lần so với cùng kỳ năm ngoái...

Về giá gạo xuất khẩu, bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.

gao.jpg
Ảnh minh họa.

Triển vọng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới rất lớn khi châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới khu vực Trung Đông tạo cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, đặc biệt, người tiêu dùng đang ưa chuộng gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại. Trung Quốc đã mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,6-7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo còn gặp những khó khăn, nguồn cung không ổn định trong năm do cơ cấu mùa vụ. Sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn; cuộc cạnh tranh giữa những nước lớn, giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại, các xung đột, xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước tiếp tục gia tăng rào cản kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại...

Nhằm thực hiện mục tiêu, giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3-7-2023, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp thị trường quốc tế; cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng...

Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chia sẻ thông tin thị trường, đánh giá, dự báo dài hạn về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại từng khu vực thị trường phục vụ định hướng, điều chỉnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu; kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ; phát triển, mở cửa thị trường cho nông sản Việt để đa dạng hóa thị trường.

Ngân hàng Nhà nước bảo đảm nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời cơ đã đến, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Bộ sẽ sớm làm việc với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác để có cuộc họp nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ thị trường. Cùng với đó, Bộ tìm cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm gia tăng giá trị...