Mỹ phản đối Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại sản xuất chip
Ngày 5-7 (giờ Mỹ), theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ “kiên quyết" phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Trung Quốc công bố đối với gallium và germanium, các kim loại cần thiết để sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị điện tử khác.
Quyết định hạn chế xuất khẩu 6 sản phẩm liên quan tới germanium, 8 sản phẩm liên quan đến gallium của Trung Quốc được đưa ra hôm 4-7 và sẽ có hiệu lực từ 1-8.
Điều này khiến các tập đoàn điện tử toàn cầu gấp rút mua hàng để đảm bảo nguồn cung sản xuất, khiến giá các kim loại nói trên bị đẩy lên cao.
Germanium được sử dụng trong quá trình sản xuất chip máy tính tốc độ cao, chất dẻo và trong các ứng dụng quân sự như thiết bị nhìn đêm, cảm biến hình ảnh vệ tinh. Gallium được sử dụng trong các thiết bị liên lạc vô tuyến, radar, vệ tinh và đèn LED.
Bộ Thương mại Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu germanium và gallium cho thấy, sự cần thiết phải đa dạng hóa nguồn cung. Mỹ sẽ cùng các quốc gia đồng minh bàn thảo biện pháp xây dựng chuỗi cung ứng các nguyên, vật liệu quan trọng.
Phản ứng trước quyết định của Trung Quốc, Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ lo ngại, trong khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết, bất kỳ sự mở rộng kiểm soát nào đối với các vật liệu như lithium đều là "có vấn đề".
Stewart Randall, người theo dõi lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc tại Công ty tư vấn Intralink có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Trung Quốc sản xuất hầu hết các nguyên liệu thô này nhưng tôi cho rằng, việc kiểm soát xuất khẩu cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ mất doanh thu và buộc phần còn lại của thế giới phải tìm nguồn thay thế. Lâu nay, Trung Quốc là điểm đến hấp dẫn của các công ty nước ngoài một phần vì nước này có thể cung cấp các nguyên liệu đã qua chế biến với chi phí thấp hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, khi các hạn chế được áp dụng, giá tăng lên, các công ty sẽ có một lý do khác để chuyển chuỗi cung ứng”.
Hiện tại, Công ty Nyrstar, có trụ sở tại Hà Lan cho biết, họ đang xem xét các dự án về germanium và gallium ở Australia, châu Âu và Mỹ để giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt do các biện pháp kiềm chế của Trung Quốc. Công ty Ericsson của Thụy Điển cũng có động thái tương tự.