Hà Nội tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Thành phố Hà Nội là địa phương có dân số đứng thứ hai trên toàn quốc, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm rất lớn và luôn biến động, nhu cầu về thực phẩm trung bình hằng năm cao. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm luôn được thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả.
Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” (viết tắt là Chỉ thị số 17-CT/TƯ) ra đời đã giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Sự vào cuộc của hệ thống chính trị
Ngay sau khi Chỉ thị số 17-CT/TƯ được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị tới các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời, cụ thể hóa Chỉ thị bằng việc ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 27-3-2023 của Thành ủy Hà Nội để thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ. UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 177/KH-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư "Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới". Trên cơ sở đó, nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TƯ, Chương trình hành động số 26-CTr/TU và kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện đến cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng với đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Hànộimới, Báo Tuổi trẻ Thủ đô…) tăng cường thời lượng phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm; phản ánh thực trạng công tác quản lý và tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm, trong đó, nêu rõ tên các cơ sở, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và các cơ sở, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm rộng rãi đến người nhân dân.
Đồng thời, thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng các văn bản quản lý an toàn thực phẩm cho Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm và hệ thống mạng lưới an toàn thực phẩm cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, nói chuyện lồng ghép trực tiếp và gián tiếp cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, tờ gấp, tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn…
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ, Chương trình hành động số 26-CTr/TU được thực hiện nghiêm túc, bài bản; luôn gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Bình quân mỗi năm, ngành y tế từ cấp thành phố tới cấp xã, phường, thị trấn thành lập hơn 800 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về an toàn thực phẩm, với tổng số lượt thanh tra, kiểm tra các cơ sở lên tới hàng chục nghìn lượt, nhiều cơ sở vi phạm bị xử lý nghiêm và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua kiểm tra, khảo sát, đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới quận, huyện, thị xã luôn được tăng cường và đảm bảo chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc chưa được quy định rõ để thống nhất nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thường xuyên đăng tải các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên Trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố, Bản tin Thông tin nội bộ (trên 17.000 cuốn/tháng phục vụ sinh hoạt chi bộ) và Sổ tay điện tử đảng viên.
Thực hiện chỉ đạo của HĐND - UBND thành phố, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đã lập chuyên mục an toàn thực phẩm tại website của Sở. UBND thành phố giao các Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế & Đô thị, website ngành, cổng giao tiếp điện tử của UBND thành phố, Đài Truyền hình Trung ương VTV24, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC14, loa đài phát thanh của xã, phường, thị trấn đưa tin bài, phóng sự... về công tác an toàn thực phẩm, các văn bản mới, quy định về an toàn thực phẩm...
Nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Đó là, những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực trạng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, số lượng cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố tăng nhanh nhưng trong đó có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún; một số chủ cơ sở thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng internet thông qua các website, Facebook, Zalo, youtube và nhiều trang thông tin điện tử khác đang có xu hướng phổ biến tràn lan, khó kiểm soát, dẫn đến tình trạng một số thực phẩm chức năng được quảng cáo vượt quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là: Để xây dựng các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, báo cáo, chương trình, dự án, mô hình điểm… về an toàn thực phẩm định kỳ, đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên cần phải có sự phối hợp của các đơn vị thuộc các ngành, các cấp quản lý theo từng lĩnh vực được phân công nên cơ quan thường trực phải có văn bản xin ý kiến, sau đó tổng hợp ý kiến để hoàn thiện văn bản, cần nhiều thời gian để thực hiện.
Mặt khác, thực tế vẫn có một số đơn vị hiểu chưa đúng, chưa rõ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm theo lĩnh vực ngành, địa bàn quản lý mặc dù Thành phố đã có văn bản phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn nên dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý cơ sở thực phẩm thuộc phạm vi chuyên ngành và trên địa bàn…
Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trước hết là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong toàn thành phố về ý nghĩa, tầm quan trọng của an ninh, an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn, xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Bốn là, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của thành phố về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất không rõ nguồn gốc trong tất cả các khâu, từ nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm, bảo đảm truy xuất rõ nguồn gốc.
Năm là, các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền. Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn của "Chuỗi cung cấp thực phẩm"; chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của các ngành, các đơn vị liên quan. Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
Sáu là, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững. Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Hỗ trợ kết nối cung cầu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản đặc sản địa phương. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cung cấp tín dụng cho các hộ sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là các hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn.
Bảy là, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ thành phố tới cơ sở. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này.
Tám là, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng thành phố chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.