Kinh tế

Sản xuất công nghiệp: Linh hoạt ứng phó để tăng trưởng

Thanh Hiền 06/07/2023 - 06:24

Kinh tế thế giới phục hồi chậm, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để linh hoạt ứng phó với những thách thức đặt ra, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao...

cong-nghiep.jpg
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp. Ảnh: Đỗ Tâm

Sụt giảm đơn hàng

Mới đây, đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023, với doanh thu thuần 960 tỷ đồng (trong đó doanh thu từ sản phẩm mới chỉ 45 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công ty dự kiến tăng gần 8% về doanh thu nhưng lại giảm gần 7% lợi nhuận so với năm 2022.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Thắng, năm 2023 dự báo rất khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, khi giá các loại vật tư, nguyên, nhiên liệu liên tục tăng, ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, nhu cầu thị trường giảm buộc doanh nghiệp phải giảm sản lượng.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Hà Nội ước tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,6%). Trong đó, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 24,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 18,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,8%...

Ở chiều ngược lại, IIP ngành sản xuất máy móc, thiết bị giảm 31,6%; in, sao chụp bản ghi giảm 9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 5,6%; dệt giảm 5%; thiết bị điện giảm 5%.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, cầu tiêu dùng bị cắt giảm; quy định sản phẩm xuất khẩu ngày càng khắt khe; nguyên liệu đầu vào khan hiếm... là những nguyên nhân chính khiến sản xuất của nhiều mặt hàng trong 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. “Điều đó cũng khiến chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm 1,3% so với cùng kỳ và chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến ngày 30-6 tăng 16,9% so với cuối quý II-2022”, bà Trần Thị Phương Lan nêu.

Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, thời gian qua, Hiệp hội nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp về tình hình hoạt động khó khăn, tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu giảm sút.

Khuyến khích đầu tư công nghệ

Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp như đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; kết nối doanh nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn... với hệ thống phân phối, tiêu thụ; tổ chức kích cầu thị trường nội địa thông qua hội chợ, tuần hàng, sự kiện khuyến mại tập trung…

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương, các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để mở rộng thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình hỗ trợ, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu, bám sát thông tin thị trường từ các bộ, ngành liên quan để nắm bắt định hướng phát triển. Thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận các chương trình này.

Chia sẻ về những giải pháp vượt qua giai đoạn khó khăn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, nhờ áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công ty đã giữ được vị thế tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trước khi thực hiện chuyển đổi số, doanh thu tăng trưởng từ 8% đến 10%/năm. Sau khi thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số, doanh thu công ty tăng trưởng tới 21%/năm.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, thành phố khuyến khích doanh nghiệp phát triển dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước; đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng tỷ trọng đầu tư công nghệ; hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu công nghệ cao (Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Khu công nghệ cao Hòa Lạc…) và tăng cường xúc tiến đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, các sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến. Bằng nhiều giải pháp, thành phố phấn đấu phục hồi, nâng chỉ số IIP trong thời gian tới.