Liên kết hành động để du lịch Việt Nam phát triển bền vững
Ngày 5-7, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2023).
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: Qua 63 năm xây dựng và trưởng thành, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Vào năm 1990, toàn ngành mới đón và phục vụ 250.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2019, đón được 19 triệu lượt, tăng gấp 72 lần sau 29 năm. Khách nội địa cũng tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019. Sự tăng trưởng không ngừng về số lượng khách du lịch đã thúc đẩy, mở rộng quy mô hoạt động của du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Năm 2015, du lịch đóng góp 6,3% vào GDP thì đến năm 2019 là 9,2%. Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch bị thiệt hại nặng nề. Nhiều kế hoạch đặt ra của du lịch nước ta hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực tài chính...
Phục hồi du lịch sau đại dịch, Việt Nam đã mở cửa trở lại từ ngày 15-3-2022. 6 tháng đầu năm 2023, chúng ta đã đón được trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, Nghị quyết số 82/NQ-CP tiếp tục là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành Du lịch...
Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Hiệp hội cũng đã có Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, với mục tiêu cụ thể, thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là “phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, để đạt được mục tiêu, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó có: Tái cấu trúc doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới, trong bối cảnh sở thích của khách du lịch thay đổi, kéo theo xu thế phát triển của du lịch cũng thay đổi sau đại dịch Covid-19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch.
Điều đáng nói, trong khâu xây dựng sản phẩm, du lịch Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các loại hình du lịch là: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện), du lịch thể thao (du lịch golf, maraton, bóng đá...), du lịch chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp và nông thôn…
Thị trường du lịch cần đa dạng hơn, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Ngoài đẩy mạnh phục hồi các thị trường chủ lực truyền thống của du lịch Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia…), cần mở thêm các thị trường tiềm năng mới như: Mỹ, Canada, Ấn Độ, Trung Đông…