Cải cách hành chính

Hà Nội: Giám đốc các sở hứa sớm hoàn thành quy trình nội bộ giải quyết TTHC

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành 05/07/2023 15:08

Sáng 5-7, trả lời chất vấn nhóm vấn đề về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại kỳ họp thứ mười hai HĐND thành phố Hà Nội, lãnh đạo nhiều sở, ngành đã nêu cụ thể lộ trình hoàn thành các quy trình nội bộ, hầu hết là ngay trong tháng 7, muộn nhất là trong năm 2023.

Xây dựng định mức, đơn giá liên quan đến 2/3 khâu đột phá

Sau khi xem phóng sự do Thường trực HĐND thành phố xây dựng giới thiệu nhanh về tình hình, những ưu điểm, hạn chế tồn tại liên quan đến các lĩnh vực nêu trên, các đại biểu đã nêu câu hỏi chất vấn; với 6 lượt đại biểu hỏi và 3 lượt đại biểu tái chất vấn.

Trong đó, 6 đại biểu đã nêu các ý kiến chất vấn về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá các dịch vụ công. Đây là nội dung quan trọng trong xây dựng thể chế; nhưng đến nay kết quả triển khai chậm, không đạt kế hoạch. Cho rằng, tổng số định mức kinh tế kỹ thuật mà thành phố phải xây dựng là 250, nhưng đến nay mới ban hành được khoảng 10%, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Tổ Tây Hồ) đề nghị làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và lộ trình khắc phục thời gian tới.

hdnd26.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương.

Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, sở có 38 định mức kinh tế kỹ thuật phải xây dựng. Thực tế, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố đã chỉ đạo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để triển khai ngay từ năm 2021-2022. UBND thành phố cũng đã thành lập tổ công tác để tổ chức thực hiện. Nhưng, đây là lĩnh vực rất khó; nên ngay tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố mới chỉ thông qua Nghị quyết quy định về giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng tạm thời trong thời hạn 1 năm trong khi chờ ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật.

“Từ sang năm, chúng tôi cố gắng quyết tâm để thành phố phê duyệt được định mức kinh tế kỹ thuật. Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm vì còn để chậm, nhưng đây là vấn đề rất khó”, ông Trần Thế Cương nói.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng thì cho biết, đến nay, Sở đã trình ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật truyền hình, đang trình định mức kinh tế kỹ thuật phát thanh. Về định mức kinh tế kỹ thuật báo in, thành phố có 5 cơ quan báo chí in đến nay đều cam kết sẽ xây dựng xong trong năm 2023. Đối với các định mức kinh tế kỹ thuật khác thuộc trách nhiệm, Sở sẽ báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 9 tới.

Cùng chủ đề, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, Sở có 72 định mức kinh tế kỹ thuật cần xây dựng; vừa qua đã hoàn thành trình Sở Tư pháp thẩm định. Nhưng khi trình xin ý kiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thì được yêu cầu bổ sung danh mục. Hiện nay, Sở đang hoàn thiện để trình UBND thành phố, phấn đấu xong trong tháng 7 để kịp thời trình ra kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố vào tháng 9 tới.

hdnd23.jpg
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là nội dung rất quan trọng; có ý nghĩa hết sức thực tiễn thể hiện sự minh bạch nhằm xã hội hóa dịch vụ công; là cơ sở để thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công; là căn cứ để giao ngân sách chủ động. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất khó, từ tháng 8-2022, Chủ tịch UBND thành phố đã giao trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu trong năm 2022, phải cơ bản xong các định mức kinh tế kỹ thuật, nhưng đến nay tiến độ thực hiện cơ bản chậm.

hdnd25.jpg
Giám đốc Sở Tài Chính Nguyễn Xuân Lưu.

“Nguyên nhân khách quan là rất nhiều đơn giá phải căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật do các bộ, ngành trung ương ban hành như lĩnh vực y tế chẳng hạn. Nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là các sở chuyên ngành chưa vào cuộc thật sự quyết liệt”.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu

Theo Giám đốc Sở Tài chính, để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, thời gian tới, Sở đề xuất tập trung thực hiện một số giải pháp mạnh như: Đề xuất đơn vị nào không xây dựng được định mức, đơn giá thì thành phố không giao dự toán ngân sách cả năm mà chỉ giao dự toán quý I để thực hiện; đưa nội dung này vào họp tập thể UBND thành phố hằng tháng; tập trung hoàn thành định mức, đơn giá những lĩnh vực cấp thiết như vận chuyển rác, xử lý rác thải, vận tải hành khách công cộng (xe buýt) ngay trong năm 2023. Đồng thời, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này. Cuối cùng, đối với những nơi chưa thể ban hành đơn giá, thì Sở kiến nghị cho phép ban hành đơn giá tạm thời để áp dụng như lĩnh vực giáo dục đã thông qua tại kỳ họp lần này.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, việc xây dựng định mức, đơn giá có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến 2/3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố là cải cách thế chế và nguồn nhân lực.

Do đó, quá trình tổ chức thực hiện lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chỉ đạo bài bản, quyết liệt; nhưng khi bắt tay vào làm điểm lĩnh vực giáo dục và văn hóa - thể thao mới bộc lộ khó khăn. Ngay như người làm ở các sở cũng thiếu và yếu, nên thành phố đã thuê đơn vị tư vấn để thực hiện như làm đơn giá giáo dục. Nhưng để làm được đơn giá, phải có định mức kinh tế kỹ thuật; mà xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật rất khó khăn, nhiều nội dung phải chờ quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành. Vừa qua, thành phố đã vận dụng quy định là nếu chưa có định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ thì địa phương có thể áp dụng mức bình quân 3 năm liền kề để xây dựng đơn giá tạm thời khối giáo dục.

onghai.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Đồng chí Hà Minh Hải cũng lưu ý rằng, vừa qua, nhận thức của lãnh đạo một số sở, ngành về xây dựng định mức, đơn giá cũng chưa đầy đủ, nên thái độ quyết tâm hành động chưa cao. “Không phải ban hành xong định mức, đơn giá thì thành phố không quan tâm, mà đây là cơ sở để nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ”, đồng chí Hà Minh Hải nêu rõ.

Đã công bố quyết định ủy quyền kèm quy trình nội bộ 531 thủ tục hành chính

Tiếp đó, các đại biểu đã chất vấn về nội dung phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính (TTHC) và quy trình nội bộ các đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính.

“Theo báo cáo tại HĐND thành phố, đến nay, vẫn còn 86 thủ tục hành chính chưa được ủy quyền, 132 thủ tục hành chính chưa ban hành quy trình nội bộ; trong khi các nội dung này được UBND thành phố yêu cầu phải xong trong năm 2022; đề nghị Chánh Văn phòng UBND thành phố cho biết nguyên nhân?”.

Đại biểu Đỗ Minh Tuân

Còn đại biểu Đàm Văn Huân (Tổ Thanh Xuân) cho biết, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường mới ban hành được 6/95 quy trình nội bộ, Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành được 10/50, Sở Xây dựng ban hành được 11/80. “Vậy nguyên nhân chậm trễ do đâu, bao giờ thì các sở hoàn thành ban hành quy trình nội bộ?”, đại biểu chất vấn.

Trả lời các đại biểu, Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng cho biết, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính là điểm sáng, nổi bật của Hà Nội thời gian qua, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là đơn vị đi đầu cả nước. Theo kế hoạch ủy quyền mà UBND thành phố đề ra là 617 thủ tục, đến thời điểm giám sát của HĐND thành phố, đã công bố quyết định ủy quyền và danh mục thủ tục hành chính ủy quyền đã làm được 531 thủ tục, đạt tỷ lệ 86,06%. Về quy trình nội bộ, đến thời điểm HĐND thành phố giám sát cũng đã ban hành được 485/617, nhưng cập nhật mới nhất đã đạt 531/617 thủ tục có quy trình nội bộ được thông qua. Như vậy, toàn bộ thủ tục hành chính đã phê duyệt danh mục cũng đã có quy trình nội bộ.

Số thủ tục và quy trình còn lại hiện nay liên quan đến 6 sở. Văn phòng UBND thành phố đã làm việc trực tiếp với giám đốc các sở, dự kiến trong tháng 7-2023, có 18 thủ tục hành chính liên quan đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và 9 thủ tục hành chính liên quan đến Sở Công Thương sẽ được hoàn thành, nâng tỷ lệ ủy quyền thủ tục hành chính lên 95%.

Quyết định số 4610 của UBND thành phố cũng chỉ đề ra các nguyên tắc cơ bản, định hướng. Trên cơ sở đó, các sở, ngành sẽ trình ban hành quyết định hành chính cá biệt và ủy quyền cá biệt gắn với các điều kiện cụ thể để đáp ứng được điều kiện ủy quyền. “Trong tháng 7, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành nội dung này”,

Chánh Văn phòng UBND thành phố Trương Việt Dũng

Trong khi đó, trả lời câu hỏi về quy trình nội bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, thực tế là UBND thành phố đã ban hành 6 quyết định về quy trình nội bộ của sở; trong đó thực hiện 5 quyết định, Sở đã ban hành xong 89/108 quy trình giải quyết thủ tục hành chính nội bộ; còn lại 19 quy trình theo 1 quyết định thứ 6 của UBND thành phố, Sở phấn đấu sẽ hoàn thành trong quý III-2023.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, ngoài 11 quy trình như đại biểu nêu, đến nay, Sở đã ban hành thêm được 20 quy trình khác; số còn lại sẽ làm xong trong năm 2023.

hdnd05.jpg
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong.

Còn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân khẳng định, hiện nay, Sở còn thiếu 36 quy trình nội bộ, phấn đấu trong tháng 7-2023 sẽ ban hành đầy đủ; các nội dung, quy trình liên thông sẽ làm xong trong năm 2023.

hdnd04.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân.

Nhìn nhận về phần chất vấn này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao trách nhiệm và chất lượng câu trả lời của lãnh đạo UBND thành phố và giám đốc các sở, ngành nhất là đã cập nhật số liệu thực tế, xác định rõ nguyên nhân hạn chế, đề ra thời hạn khắc phục cụ thể.