Nông thôn mới

Hoài Đức tập trung phát triển làng nghề

Ánh Dương 05/07/2023 - 06:43

Huyện Hoài Đức có 52 làng có nghề, trong đó 12 làng được công nhận là làng nghề sản xuất: Bánh kẹo, dệt kim La Phù; điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; chế biến nông sản Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, thôn Lưu Xá - xã Đức Giang... Doanh thu tại các làng nghề chiếm gần 40% tổng giá trị ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện. Thu nhập bình quân lao động tại các làng nghề đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm.

hoaiduc.jpg
Các sản phẩm OCOP của xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông sản chất lượng cao do thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: Chí Cao

Làng nghề chế biến nông sản truyền thống xã Dương Liễu hiện có hơn 1.200 hộ sản xuất, chế biến nông sản; 1.600 hộ kinh doanh, dịch vụ; 145/167 doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia sản xuất, thương mại dịch vụ liên quan đến chế biến nông sản. Chủ cơ sở sản xuất miến Xưa, thôn Gia (xã Dương Liễu) Phí Đình Huệ chia sẻ: “Cơ sở sản xuất của gia đình tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương, với thu nhập 400.000 đồng/người/ngày, hỗ trợ 3 bữa ăn/ngày. Miến Xưa được sản xuất thủ công, nguyên liệu là củ dong, nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm gia đình sản xuất từ 120 đến 130 tấn miến, cung cấp cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, doanh thu đạt 10 tỷ đồng/năm. Tôi cũng đã gửi sản phẩm đi chào hàng và đang hoàn thiện các thủ tục để xuất khẩu miến sang thị trường Nhật Bản, Pháp…”.

Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng chia sẻ thêm, thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT Hà Nội, UBND huyện về xây dựng nhãn hiệu chung “Làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu” cho các sản phẩm bánh kẹo, tinh bột, gạo, ngô, khoai, sắn, mì sợi, bún, tinh dầu gừng, lạc; rau, củ, quả tươi và các sản phẩm từ rau, củ, quả…, xã đã kiện toàn Hội Chế biến nông sản với 256 hộ sản xuất, doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề tham gia. Cùng với đó, Hội Chế biến nông sản xã tích cực tham gia quảng bá sản phẩm trên website giới thiệu sản phẩm của xã; đăng ký xây dựng và được công nhận 37 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao...

Tương tự, xã Minh Khai có 214 hộ sản xuất bún, miến khô, trung bình các hộ sản xuất 10 tấn bún/hộ/tháng, 12 tấn miến/hộ/tháng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Chí Thao, các hộ sản xuất trên địa bàn xã đã giải quyết việc làm cho từ 3 đến 4 lao động/hộ, thu nhập bình quân toàn xã đạt 69,5 triệu đồng/ người/năm. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xã đã xây dựng được 24 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm miến dong, bún khô các loại và 8 sản phẩm gia vị. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng của huyện và thành phố xây dựng thương hiệu “Nhãn hiệu tập thể bún khô, miến khô Minh Khai”.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Cao Văn Tuyến thông tin, các làng nghề trên địa bàn huyện hình thành và phát triển từ lâu, sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường, như: Sản phẩm đồ thờ gồm tạc tượng, hoành phi, câu đối, án gian, cửa võng, sơn son thếp vàng, bạc…; sản phẩm chế biến từ nông sản gồm có miến, bún, phở khô, mạch nha, tinh bột, bánh đa nem, gạo các loại, bánh kẹo, nước giải khát; sản phẩm dệt kim, may mặc, quần áo len, bít tất, găng tay... Các sản phẩm làng nghề chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước, một số mặt hàng đã được xuất khẩu sang các nước: Nga, Ukraine, Ba Lan, gồm sản phẩm dệt kim (quần áo, mũ, tất) và chế biến nông sản (mỳ, miến…).

Cùng với sự phát triển của các làng nghề, các loại hình doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề cũng phát triển nhanh. Hiện tại, các làng nghề của huyện có gần 400 doanh nghiệp và hơn 7.900 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động tại địa phương và ngoài địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, hằng năm, huyện phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố tổ chức từ 7 đến 10 lớp đào tạo, nhân cấy nghề cơ khí, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp, thêu, sản xuất hương thắp...; hỗ trợ một số dây chuyền sản xuất mới cho các cơ sở trong làng nghề truyền thống ở các xã La Phù, Dương Liễu, Minh Khai…; quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các hội chợ do thành phố, trung ương tổ chức. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo đơn vị chức năng tập trung phối hợp với cơ quan liên quan của thành phố hoàn thành cấp chỉ dẫn địa lý “Hoài Đức” cho sản phẩm bưởi đường La Tinh (xã Đông La); tiếp tục thực hiện các nội dung xây dựng thương hiệu tập thể “Làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu”…