Nông nghiệp

Nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

Ngọc Quỳnh 05/07/2023 - 06:28

Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Những năm qua, nhiều mô hình khuyến nông do ngành Nông nghiệp hỗ trợ đã mang lại giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống người dân, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

trong-nho.jpg
Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Khánh Long

Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến nông đã được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn.

Ông Cao Xuân Trường ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình ông đang thực hiện mô hình chăn nuôi thủy sản an toàn theo hướng hữu cơ, VietGAP với diện tích 1ha, nuôi cá chép và rô phi. Thời gian qua, được sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Sản phẩm thủy sản nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ có giá trị cao hơn 10-20% so với nuôi trồng theo phương pháp truyền thống.

Tương tự như vậy, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, mô hình nho hạ đen đã phát huy hiệu quả ở huyện Đan Phượng. Theo ông Nguyễn Hữu Hợi, chủ vườn nho hạ đen Hợi Hường ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), nho hạ đen rất khó trồng, nhưng được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, cây đã sinh trưởng, phát triển tốt. Không những vậy, nho hạ đen thơm, giòn và ngọt, một năm cho thu hoạch 2 vụ: Vụ chính là xuân hè và vụ phụ vào thu đông. Hiện tại, giá nho hạ đen bán tại vườn là 150.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều mô hình khuyến nông cho hiệu quả kinh tế cao. Các chính sách hỗ trợ hoạt động khuyến nông đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thích ứng với các điều kiện sinh thái, khí hậu và phù hợp với thị trường. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chú trọng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, các mô hình khuyến nông còn mở ra hướng phát triển nông nghiệp của Hà Nội gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Xây dựng các mô hình sản xuất gắn với thị trường

Hiệu quả của các mô hình khuyến nông đã rõ, song quá trình triển khai vẫn còn khó khăn, do đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, bấp bênh, còn hiện tượng được mùa mất giá. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn chậm và sự quan tâm của chính quyền còn hạn chế, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với hệ thống khuyến nông để nhân rộng mô hình mới, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh…

Để nhân rộng các mô hình khuyến nông cho giá trị kinh tế cao, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban cho rằng, các địa phương cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Mặt khác, khi xây dựng các mô hình cần gắn với thị trường, thực hiện liên kết chuỗi để bảo đảm đầu ra thuận lợi, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình cho biết, để nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, trong thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp xây dựng và triển khai các mô hình khuyến nông, chọn đúng đối tượng, gồm những hộ dân hoàn toàn tự nguyện, có nhu cầu áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất. Đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong việc nhân rộng mô hình; tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, mở rộng và cải tiến các kênh truyền thông để chuyển tải kịp thời, chính xác, có hiệu quả đến hộ nông dân. Mặt khác, chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các vùng chuyển đổi, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Từ kết quả thực hiện các mô hình, dự án khuyến nông đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, các đơn vị của ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng các mô hình điểm, tập trung vào nhóm đối tượng là cây lương thực và rau, hoa, cây ăn quả; chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tập quán sản xuất của nông dân ở từng địa phương. Ngành Nông nghiệp sẽ hỗ trợ các địa phương đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch; tạo sự liên kết trong sản xuất giữa các hộ nông dân, giữa các khâu sản xuất dịch vụ để các mô hình phát huy hiệu quả…