Kinh tế

Miền Bắc cơ bản sẽ hết thiếu điện từ nay đến cuối năm

Đình Hiệp 04/07/2023 - 21:16

Tại họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi về nguy cơ thiếu điện từ nay đến cuối năm hay không, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, qua tổng kết 6 tháng đầu năm cho thấy, nhu cầu về điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng, trong khi tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 6-2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu ước đạt 136,09 tỷ kWh, cao hơn 2,2% cùng kỳ.

tt-do-thang-hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo.

Ông Hải cho rằng, trong 4 tháng đầu năm, việc cung ứng điện cơ bản đáp ứng đủ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, song từ tháng 5 và 6 vừa qua, do tình trạng nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng. Trong khi thủy văn không thuận lợi, đặc biệt khu vực phía Bắc và khó khăn trong việc vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng tới tình hình cung ứng điện. Do vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải tiết giảm, cắt điện tại một số địa phương, đặc biệt khu vực phía Bắc.

Thông tin thêm, ông Hải cho biết, những ngày cuối tháng 6-2023, lưu lượng nước cải thiện, mực nước các hồ đã nâng cao. Cùng với đó, một số tổ máy nhiệt điện đã được khắc phục kịp thời cũng như sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, Chính phủ và Bộ Công Thương, do vậy hệ thống điện đã đáp ứng được nhu cầu phụ tải.

Nhấn mạnh việc cung ứng điện tháng 7 và 6 tháng cuối năm 2023, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, công tác vận hành hệ thống điện trong tháng 7 vẫn còn khó khăn, đặc biệt tại miền Bắc, sẽ có các đợt nắng nóng kéo dài, mực nước hồ thủy điện dù cải thiện nhưng còn thấp. Vì vậy, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN bám sát và liên tục cập nhật diễn biến thực tế nhằm đảm bảo vận hành điện an toàn, ổn định, tin cậy cho hệ thống điện quốc gia.

Ông Hải cũng thông tin, Bộ đã yêu cầu EVN phối hợp với các khách hàng sử dụng điện lớn, chuẩn bị kịch bản, kế hoạch chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện. Thực hiện đồng bộ 4 giải pháp, gồm cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện, hạn chế tối đa sự cố và nhanh chóng khắc phục sự cố nếu có; vận hành hợp lý nguồn thủy điện và làm tốt công tác tiết kiệm điện; lâu dài hơn những năm tới là đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.

“Trên cơ sở tính toán, từ nay đến cuối năm 2023, cơ bản không thiếu điện để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cả nước”, ông Hải khẳng định.

Liên quan tới điện mặt trời áp mái, theo ông Đỗ Thắng Hải, Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương rà soát, chấn chỉnh việc đầu tư điện mặt trời mái nhà nhằm phát triển bền vững, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương đã trình Dự thảo về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, lắp đặt tại nhà ở, trụ sở, công sở của các doanh nghiệp và Bộ đã có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xem xét quyết định.