Hà Nội sẽ hỗ trợ sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật
Trong một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vừa được HĐND thành phố thông qua chiều 4-7 đã quy định việc hỗ trợ mua máy cấy lúa và sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật.
Nghị quyết quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 quy định 12 nhóm chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội.
Cụ thể: Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; Chính sách khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản (hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và hỗ trợ nhập khẩu giống vật nuôi, thủy sản); Chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; Chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Chính sách thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bao gồm hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ mua máy cấy phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa; hỗ trợ kinh phí cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái.
Chính sách chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bao gồm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thủy sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung.
Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; Chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp; Chính sách bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách trên địa bàn thành phố là khoảng 1.124 tỷ đồng/năm. Trong đó ngân sách thành phố là 315,3 tỷ đồng/năm; Ngân sách cấp huyện là 43,8 tỷ đồng/năm; Nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân là 764,9 tỷ đồng/năm.
Hằng năm, thành phố và các quận, huyện, thị xã có thể bố trí tăng thêm kinh phí hỗ trợ tùy vào khả năng cân đối ngân sách để thực hiện chính sách.