Công nghệ

Thị trường khoa học và công nghệ: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Thu Hằng 04/07/2023 - 15:37

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, so với nhu cầu thực tiễn và so với các thị trường khác, thị trường khoa học và công nghệ vận hành còn nhiều vướng mắc, rất cần sự tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Chồng chéo và không thống nhất

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó có 21 sàn giao dịch khoa học và công nghệ. Giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ tăng bình quân 20,9%/năm. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và so với một số thị trường khác, thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và ít có
tổ chức trung gian uy tín, kinh nghiệm để kết nối cung - cầu…

1(2).jpg
Sinh viên Viện Điện tử viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) trong giờ thực hành thí nghiệm bộ môn Công nghệ Y sinh.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh cho biết, kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được hướng dẫn xử lý chưa thống nhất dẫn đến khó áp dụng trong thực tế. Ví dụ, kết quả nếu không đăng ký sở hữu trí tuệ thì áp dụng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 và trong trường hợp nhiệm vụ sử dụng 100% ngân sách thì toàn bộ lợi nhuận sẽ thuộc về nhà nước.

Còn với kết quả được bảo hộ sở hữu trí tuệ thì thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022, trong đó quy định nhà khoa học được hưởng từ 15% đến 20% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Trong khi đó, Luật Khoa học và công nghệ 2013 lại quy định nhà khoa học được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Đức Nghiệm cho rằng, còn một số điểm nghẽn trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đơn cử, một số quy định hiện nay như Nghị định số 70/2018/NĐ-CP
của Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước, không khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, doanh nghiệp “mặn mà” tiếp nhận công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Mặt khác, các thủ tục giao quyền và định giá kết quả nghiên cứu còn khá phức tạp.

Cần cách tiếp cận mới, phù hợp

Việc giải quyết những khiếm khuyết của thị trường khoa học và công nghệ sẽ tạo đà phát triển trong tương lai. Ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng, cần tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh theo hướng: Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hóa được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn.

Về định giá công nghệ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đang sửa đổi Nghị định số 70/2018/NĐ-CP theo
hướng sẽ không bồi hoàn lại tiền ngân sách nhà nước đã đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu sản phẩm khoa học và công nghệ. Nếu sửa đổi theo hướng này sẽ khuyến khích việc chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, thị trường khoa học và công nghệ là thị trường đặc biệt với những giá trị tri thức, sáng tạo không lượng hóa, đo đếm được. Vì vậy, quá trình phát triển thị trường khoa học công nghệ cần cách tiếp cận mới, phù hợp với các đặc điểm này, trong đó, tập trung vào những khâu, vấn đề đột phá, khắc phục được hết tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Đối với việc định giá sản phẩm khoa học và công nghệ từ các đề tài nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, cần nghiên cứu phương pháp tiếp cận linh hoạt. Những sản phẩm hoàn chỉnh, thương mại hóa thành công sẽ được định giá đầy đủ, dựa trên lợi ích, hiệu quả đem lại cho xã hội. Những sản phẩm mới ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản, trong phòng thí nghiệm, chưa hoàn chỉnh, chứa đựng rủi ro thì chưa nên tiến hành định giá. “Phương pháp định giá cần được nghiên cứu kỹ, sâu hơn, nhất là đối với những sản phẩm đang giai đoạn nghiên cứu để khuyến khích, tạo thuận lợi triển khai các bước tiếp theo trong quá trình ứng dụng, thương mại hóa, có tính đến rủi ro”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh.