Hà Nội vào cuộc quyết liệt thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7%
Sáng 4-7, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; thu, chi ngân sách, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm
Đáng chú ý, với việc kiên định chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0%, yêu cầu Nghị quyết đặt ra là các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt, tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm.
Nghị quyết ghi nhận một số điểm nổi bật trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua, như: Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm tăng cao (tăng 25,1% so cùng kỳ và đạt 58,7% dự toán). Tăng trưởng duy trì 5,97%; thu hút đầu tư xã hội tăng khá, đạt 9,0%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (8,8%). Trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng đầu cả nước và vượt kết quả của cả năm 2022. Cùng với đó, du lịch phục hồi mạnh; khách du lịch quốc tế tăng 7 lần so với cùng kỳ; khách du lịch trong nước tăng 22,6%.
Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhất là về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm, tích cực triển khai.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng xác định rõ: Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Kinh tế Thủ đô bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp khó khăn, sức mua của thị trường nội địa và sản xuất, kinh doanh có xu hướng tăng chậm lại... Qua đó, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thực hiện hoàn thành mục tiêu, chi tiêu kinh tế - xã hội năm 2023.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0% thì quý III phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên. Đây là những nhiệm vụ rất thách thức, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm.
Tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Trên cơ sở đó, HĐND thành phố Hà Nội quyết nghị tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.
Thứ nhất, bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát. Kiên định mục tiêu bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm nhu cầu vốn cho nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống; cân đối thu, chi ngân sách; cân đối cung - cầu, nhất là cân đối về xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng; cung cấp điện an toàn, ổn định... Tiếp tục củng cố và phát huy cao nhất các động lực tăng trưởng của xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư.
Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm (Vành đai 4; các dự án kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích...); công tác giải phóng mặt bằng; tăng trách nhiệm người đứng đầu; đưa kết quả giải ngân thành một tiêu chí để đánh giá thi đua năm 2023...
Thứ ba, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực; kiểm soát dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội...
Thứ tư, đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Tăng cường tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Thứ năm, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và đề xuất nội dung điều chỉnh Luật Thủ đô để trình Quốc hội thông qua.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục rà soát, xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền đồng bộ trong từng ngành, lĩnh vực.
Thứ sáu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trên địa bàn. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, mỗi lĩnh vực. Đẩy nhanh tiến độ dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân và định danh điện tử cho công dân. Triển khai các kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm có tổ chức; tội phạm xuyên quốc gia; tín dụng đen; lừa đảo qua mạng; đua xe trái phép; cướp giật; bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước, nhất là trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác với các đô thị, các tổ chức quốc tế, chủ động tích cực tham gia hệ thống mạng lưới các đô thị xanh, thích ứng, bản sắc, bền vững và thông minh ở khu vực và quốc tế.
Thứ tám, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, dân vận tạo đồng thuận xã hội. Ngăn chặn kịp thời thông tin xấu, độc, sai sự thật, xuyên tạc, nhất là trên không gian mạng. Làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, nhất là trong công tác giám sát, phản biện, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan: UBND thành phố, Thường trực HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.