Hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa vẫn là thách thức lớn
Ngày 3-7, tại xã Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội nghị quốc tế “Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định, đây là cơ hội để Ninh Bình và các tỉnh có di sản thế giới nói riêng, các đối tác toàn cầu nói chung đẩy mạnh trao đổi, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn chung về thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO.
Tính đến tháng 5-2023, Việt Nam đã có 57 danh hiệu UNESCO, bao gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu cấp khu vực và thế giới, 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 3 công viên địa chất toàn cầu, 3 thành phố học tập toàn cầu UNESCO, 1 thành phố sáng tạo, 1 thành phố hòa bình, 6 danh nhân quốc tế.
Các danh hiệu của UNESCO đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cộng đồng, phục vụ phát triển bền vững và bao trùm tại Việt Nam.
Đánh giá cao những thành tựu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam những năm qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc cho rằng, bên cạnh những thành công, ở một số địa phương sở hữu danh hiệu vẫn trăn trở trước những thách thức giữa bảo tồn và phát triển. Phát triển kinh tế đôi lúc không khớp nhịp với bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, nhận thức về di sản, bảo vệ môi trường, gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển bền vững chưa thực sự thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân, lâu dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bởi các tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu luôn hiện hữu. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế và bảo tồn các di sản văn hóa, thiên nhiên, địa chất, sinh quyển.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia 4 Công ước của UNESCO về lĩnh vực di sản văn hóa; 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, thành viên Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017), thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006-2010 và 2022-2026), thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (nhiệm kỳ 2021-2025); là một trong các quốc gia đầu tiên tổ chức hoạt động kỷ niệm hướng tới Lễ kỷ niệm toàn cầu 50 năm Công ước Di sản thế giới của UNESCO.
Đó là minh chứng sống động về một Việt Nam là thành viên chủ động và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp tích cực cho thành công của các khuôn khổ và hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong kiến tạo, đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian tới, Việt Nam mong muốn và luôn sẵn sàng hợp tác, học hỏi các mô hình, bài học, kinh nghiệm từ Liên hợp quốc, UNESCO, các quốc gia, tổ chức, chuyên gia quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO để phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia thảo luận với 4 phiên chuyên đề, gồm: Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; giải pháp huy động nguồn lực trong phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; phiên tổng kết nội dung thảo luận, khuyến nghị và kết luận của hội nghị.
Bên lề hội nghị, ngày 4-7, các đại biểu sẽ tham quan Di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An và Khu du lịch quốc gia Tam Chúc.